Thứ Tư | 02/03/2016 10:31

Trung Quốc cắt giảm 1,8 triệu nhân công trong ngành than và thép

Trước tình trạng dư thừa công suất trong ngành than và thép, Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm tới 1,8 triệu công nhân trong hai ngành này.

Chính phủ Trung Quốc trong ngày hôm qua (29/02) vừa công bố kế hoạch cắt giảm 1,8 triệu nhân công trong ngành than và thép, nhằm giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất tại nước này.

Như vậy, 1,3 triệu người trong ngành than (chiếm 20% tổng số lao động trong ngành, theo IHS Insights) và 500.000 người trong ngành thép (11% cả ngành) sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp trong thời gian tới.

"Mặc dù đây là một việc rất khó khăn xét trên mọi phương diện, nhưng đó là chuyện mà chúng ta cần phải tích cực làm", ông Yin Meimin hiện là Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, ông không tiết lộ chi tiết về thời gian bắt đầu quá trình giảm biên chế.

Nguyên nhân chính của động thái này được cho là do sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể lên thị trường hàng hoá trên toàn cầu, kéo theo đó là tình trạng dư cung. Trong những năm qua, Trung Quốc đã không ngừng kích cầu thông qua việc xây dựng hàng loạt các cơ sở hạ tầng, nhà máy. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nhu cầu về than và thép, khiến nguồn cung các mặt hàng này không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới rơi xuống mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 25 năm qua,việc sa thải nhân công là điều không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc còn bị nhiều công ty nước ngoài cáo buộc bán phá giá. Trong 1 tháng qua, Châu Âu đã áp đặt thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu của Trung Quốc, để bảo vệ hàng ngàn việc làm tại châu lục này.

Ngoài việc giải quyết tình trạng dư thừa, chính sách giảm biên chế của Trung Quốc có thể một bước tiến nhỏ trong việc cải cách các công ty quốc doanh lớn của nước này, vốn thường hoạt động kém hiệu quả và lãng phí. Chính phủ Trung Quốc đã mô tả các công ty này như những "xác sống" (zombie) không tạo ra lợi nhuận và việc tiến hành thanh lọc các công ty này là một ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc này cần phải được tiến hành cẩn thận, khi số lượng các vụ phản đối và đình công của người lao động trong các năm gần đây ngày càng gia tăng.

"Việc sa thải hàng loạt công nhân hay tăng chi phí bồi thường sẽ đòi hỏi thêm khá nhiều ngân sách", ông Brian Jackson, chuyên gia kinh tế của IHS Insight nhận định.

Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đã dành ra 100 tỷ NDT (tương đương 15,3 tỷ USD) trong vòng 2 năm tới để hỗ trợ người thất nghiệp và cung cấp các dịch vụ đào tạo cũng như giới thiệu việc làm.

Nguyệt Nhi

Nguồn CNN