Trung Quốc cam kết 78 tỷ USD cho "Một con đường, một vành đai"
Vào hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ làm sáng tỏ hơn nữa về chiến dịch toàn cầu hóa theo phong cách Trung Hoa của ông, trong bài diễn văn kết thúc Hội nghị "Một vành đai, một con đường" (Belt & Road Forum - BRF).
Trước đó vào hôm Chủ Nhật, ông Tập đã mô tả dự án "Một con đường, một vành đai" (OBOR) là một "dự án thế kỷ" với nguồn cảm hứng từ các tuyến đường lịch sử nối liền Trung Quốc với thế giới.
Ông đã cam kết cấp vốn 540 tỷ NDT (78 tỷ USD), trong đó bao gồm 100 tỷ NDT cho Quỹ Con đường Tơ lụa của Trung Quốc (SRF), 380 tỷ NDT tín dụng từ 2 ngân hàng chính sách của Trung Quốc, và 60 tỷ NDT vốn viện trợ cho các nước đang phát triển và các tổ chức quốc tế ở những nước nằm dọc theo tuyến đường.
Ngoài ra, ông Tập cho biết Trung Quốc cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính trong nước gia tăng quy mô tín dụng ở nước ngoài thêm 46 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Tập không nêu ra khung thời gian cụ thể cho việc giải ngân các khoản tiền nói trên.
Ông Tập lặp lại lời kêu gọi ủng hộ thương mại đa phương, miêu tả sáng kiến của ông là một lực lượng hòa bình trong "một thế giới đầy thách thức". Ông nói với giới lãnh đạo từ 29 quốc gia đã tập trung tại diễn đàn rằng các nước nên "duy trì và phát triển một nền kinh tế thế giới mở".
Phác họa dự án OBOR. Ảnh: Bloomberg |
Bài phát biểu kể trên nhằm mục đích củng cố hình ảnh của ông Tập là một người bảo vệ thương mại tự do toàn cầu, vốn là hình ảnh mà ông đã cố gắng xây dựng kể từ sau khi Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Trước đó, ông Tập cũng đã có một bài phát biểu tương tự như vậy ở Davos hồi tháng 1 vừa qua.
Ông Andrew Gilholm, giám đốc phân tích về Bắc Á tại Control Risks Group, cho biết: "Trung Quốc coi đây là cơ hội để lấp đầy khoảng trống, và tận dụng nhận thức của thế giới", liên quan đến những nhận thức đang thay đổi về vai trò dẫn đầu thế của Mỹ trong kỷ nguyên Trump. Sự có mặt của các nhà lãnh đạo lớn ở Bắc Kinh để lắng nghe kế hoạch của Trung Quốc "phù hợp với hình ảnh mà Trung Quốc đang muốn hướng tới".
Các đại biểu tham dự diễn đàn BRF bao gồm đại diện từ hơn 100 quốc gia và nguyên thủ bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Pakistani Nawaz Sharif. Tuy nhiên, đại diện của Ấn Độ đã vắng mặt cũng như tất cả các nguyên thủ quốc gia thuộc nhóm Công nghiệp G7 - ngoại trừ Italia. Tuy vậy, diễn đàn cũng có sự góp mặt của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong buổi lễ khai mạc hôm Chủ Nhật, các các vị lãnh đạo phát biểu sau ông Tập là ông Putin và ông Erdogan, những người cam kết ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc, cũng như giới thiệu các dự án của riêng họ. Ông Putin đã gọi sáng kiến này là "kịp thời và đầy hứa hẹn" trong khi nêu bật Liên minh kinh tế Á-Âu (EAU) do Nga lãnh đạo. Ông Erdogan nói với các đại biểu rằng trọng tâm kinh tế của thế giới đang chuyển sang phương Đông, và nói rằng ông muốn kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên kết với Vành đai và Con đường.
Các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng đã khen ngợi dự án. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond của Anh gọi sáng kiến này là "bước đột phá thực sự", nhấn mạnh mong muốn của Anh là tìm kiếm các quan hệ thương mại toàn cầu mới khi nước này chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu. Thủ tướng Pakistan, ông Sharif, gọi diễn đàn là "sự kiện lịch sử" có thể "phá vỡ các rào cản đối với thương mại và buôn bán".
Về những lo ngại rằng OBOR sẽ là cơ hội cho các công ty Trung Quốc, hay là một bước đi chiến lược nhằm bành trướng ảnh hưởng trong khu vực, ông Tập tuyên bố rằng kế hoạch này sẽ mở cửa cho tất cả các nước tham gia và đóng góp cho các mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia.
Các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở nước ngoài (màu hồng là vẫn đang diễn ra, màu xám là đã thất bại). Ảnh: Bloomberg |
‘Tiến trình công bằng’
Các nhà lãnh đạo khác thì ám chỉ đến những vấn đề tiềm ẩn của OBOR. Người đại diện cho Hoa Kỳ là ông Matt Pottinger, giám đốc cao cấp về khu vực Đông Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ kiêm trợ lý đặc biệt của ông Trump, đã kêu gọi nên có sự minh bạch và "tiến trình công bằng" trong bài phát biểu của ông. Giám đốc IMF là bà Christine Lagarde thì kêu gọi việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao và tôn trọng môi trường, trong khi vẫn hoan nghênh sáng kiến của Trung Quốc.
Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc không tìm cách xuất khẩu mô hình phát triển của mình sang các quốc gia khác, trong khi kêu gọi tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nhau.
18 quốc gia, bao gồm cả Vương Quốc Anh, đã đồng ý vào hôm Chủ Nhật về các nguyên tắc định hướng xoay quanh việc huy động vốn cho OBOR. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Tài chính Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về việc thúc đẩy OBOR, theo thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Shi Yaobin cho biết.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập đã đề xuất sáng kiến OBOR, ban đầu được gọi là Con đường Tơ lụa, vào năm 2013. Đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia nằm trong dự án OBOR đã vượt qua con số 50 tỷ USD. Credit Suisse Group AG ước tính kế hoạch này có thể đem lại các khoản đầu tư có giá trị lên tới 502 tỷ USD vào 62 quốc gia trong 5 năm tới.
Bài phát biểu của ông Tập cũng đặt kế hoạch OBOR này vào bối cảnh lịch sử Trung Quốc. 9 phút đầu tiên trong bài phát biểu đã được dành để nhắc lại nguồn gốc của Con đường Tơ lụa 2000 năm trước, cho tới ngày thành lập ngân hàng AIIB có số vốn 100 tỷ USD ở Bắc Kinh hồi năm ngoái. Ông Tập nhắc lại hình ảnh những chiếc tàu đầy vàng bạc, những nền văn hoá cổ xưa dọc theo sông Nile và sông Hằng, cũng như sự lan truyền của đạo Phật từ Ấn Độ sang Trung Quốc.
Triều Tiên phóng tên lửa
Nhắc lại lịch sử là thế, nhưng diễn đàn BRF cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi những sự kiện mới nhất. Vài giờ trước khi ông Tập phát biểu, CHDCND Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa đạn đạo, đánh dấu vụ thử nghiệm lần thứ 7 vào năm nay. Sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hàn Quốc có tổng thống mới là ông Moon Jae-in, người muốn đối thoại hòa bình với Kim Jong Un. Triều Tiên vẫn phóng thử tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ và cảnh báo của ông Trump.
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại diễn đàn BRF. Ảnh: China Daily |
Ông Tập không nhắc gì đến vụ việc này, mà đề cập đến những khó khăn về địa chính trị liên quan tới OBOR. Ông nói: "Những con đường tơ lụa cổ đại đã phát triển mạnh trong thời bình, nhưng đã suy yếu trong thời chiến tranh. Việc theo đuổi OBOR đòi hỏi môi trường hòa bình và ổn định."
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã đưa ra tuyên bố phản đối việc phóng tên lửa của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc. Trung Quốc đã kêu gọi sự kiềm chế của tất cả các bên với tình hình "phức tạp và nhạy cảm" hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, thách thức thực sự đối với dự án OBOR sẽ là vào lúc triển khai. Theo ông Gilholm thì: “Việc thực hiện một dự án khổng lồ đắt đỏ và đầy tham vọng, với mục tiêu định hình lại các mối quan hệ tại một phần rộng lớn của thế giới, sẽ khó hơn rất nhiều so với việc mời các nhà lãnh đạo tới Bắc Kinh nói chuyện".
Bá Ước
Nguồn Bloomberg