[Trực tiếp] Xét xử bầu Kiên sáng 22/5: Bầu Kiên chỉ ra các sai sót của cơ quan điều tra
Ông Kiên nói:
"Hợp đồng này tôi là người soạn thảo và đưa cho kế toán để đưa Hương ký. Ở B&B có sự khác với các công ty khác. Vợ tôi là người được tôi ủy quyền điều hành một số công việc, tôi là người nắm cổ phần chi phối và quyết định toàn bộ mọi việc. Vợ tôi trong giai đoạn đó mới sinh con, em tôi – Hương mới bắt đầu kinh doanh, mọi việc trong giai đoạn đó đều do tôi thực hiện.
Công ty B&B ký với Hương trước, sau đó căn cứ vào ủy thác của Hương mới ký với ACB. Tất cả đều đúng quy định của pháp luật. HĐ này tôi soạn thảo vào 25/12/2012. Sau đó 2-3 tiếng, khi đang uống cà phê, tôi soạn thảo tiếp hợp đồng với ACB. 2 hợp đồng này ký cùng ngày nhưng thời điểm ký khác nhau.
Hương có 2 việc để làm: ủy quyền cho tôi, và theo từng giai đoạn của hợp đồng, Hương ký xác nhận các lệnh. Vợ tôi không làm gì, chỉ thay tôi ký các giấy tờ cần thiết.
Như vị đại diện nào đó của cục thuế vừa nói, công ty đã khai rõ với chi cục thuế quận Đống Đa thu nhập từ hoạt động ủy thác của B&B. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, tôi là người ra lệnh mua, lệnh bán.
Tôi làm đúng 1 quy trình của một người anh dạy một người em trong hoạt động kinh doanh. Trình tự tôi dạy em tôi như sau: đặt các lệnh và chờ, các lệnh này có thể thua hoặc thắng, lời hoặc lỗ, đến thời điểm quyết toán mới chốt.
Thưa tòa, tòa đã hỏi những người không đúng địa chỉ. Người được hỏi đều không trả lời được.
Tôi xin đưa ra nghị định 115 của TTCP về vấn đề thuế để nói rõ hơn về thuế.
Giám định viên của Bộ tài chính đã căn cứ vào các tài liệu không đầy đủ mà cơ quan điều tra đưa ra, xin HĐXX đưa ra các điều khoản ngoại trừ trong hoạt động khấu trừ thuế. Tôi được thực hiện đúng nguyên tắc khấu trừ tại nguồn.
Thưa tòa, thưa ông đại diện VKS, ông đã trích dẫn không chính xác các bản kê khai của B&B với chi cục thuế. Nghị quyết miễn giảm thuế TNCN trong 6 tháng đầu năm của Quốc hội được thực hiện vào 24/4, có hiệu lực ngay lập tức. Ngày tôi chuyển tiền cho Hương là ngày 27/4.
Cho đến ngày hôm nay, cá nhân tôi và B&B vẫn chưa nhận được quyết định nào của tổng cục thuế ấn định số thuế phải nộp dù đã gửi nhiều văn bản lên.
Thứ nhất, khi giám định viên tiến hành giám định, phải giám định tất cả các HĐ phát sinh trong năm, không loại trừ hợp đồng nào nên việc cơ quan điều tra yêu cầu loại hợp đồng của Hương với công ty là sai.
Thứ hai, đã có phụ lục hợp đồng của Hương với công ty nhưng cơ quan giám định không nhận được, vì vậy kết quả giám định là hoàn toàn sai!
Trong các luật hiện hành, tổng cục thuế không có quyền tuyên bố các hợp đồng là trái pháp luật trong bất kỳ trường hợp này.
Cơ quan giám định cũng thiếu 1 văn bản quan trọng, là tại 31/12, các công ty có quyền định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán, vàng để xác định lãi, lỗ. Tại ngày 31/12, công ty bị lỗ 168 tỷ nên không phải nộp thuế.
11h05: Truy vấn bầu Kiên về tội trốn thuế, bầu Kiên cho biết, hợp đồng ủy thác tài chính do Kiên soạn thảo. Tại công ty B&B, Kiên có tất cả quyền điều hành, là người đại diện pháp luật của Công ty B&B.
11h00: Liên quan đến tội Trốn thuế, đại diện ngân hàng ACB cho biết: Công ty B&B ủy thác kinh doanh vàng với Ngân hàng ACB ở nước ngoài thì phải chịu những khoản thuế: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với tư cách là người giám định, ông Vũ Quang Hưng – đại diện Bộ Tài chính cho biết: Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu… kết luận giám định, Công ty B&B phải nộp trên 25 tỷ đồng tiền thuế.
Lợi nhuận từ số tiền kinh doanh vàng ở công ty B&B, hơn 100 tỷ đồng, em gái bầu Kiên được chia 68 tỷ đồng. Bà Hương chuyển vào tài khoản cá nhân của Kiên hơn 20 tỷ đồng.
10h35: HĐXX thẩm vấn em gái của Nguyễn Đức Kiên, bà Nguyễn Thị Hương.
Bà Hương nói: Ở Công ty B&B, bà là thành viên góp vốn, là thành viên của HĐQT. Việc bà Hương ký hợp đồng ủy thác tài chính là do bầu Kiên đưa ra. “Kiên là anh trai, nên tôi rất tin tưởng”.
10h30: Đối với việc ký hợp đồng ủy thác, bà Lan cho hay, là chỉ biết ký nhưng không nhớ ký những gì. Bà Lan cũng không nhớ ai soạn thảo hợp đồng và ai là người yêu cầu ký. Đa số việc ký hợp đồng bà Lan đều thực hiện ở nhà do đang trong thời gian sinh nở.
Theo trả lời của bà Lan, bà không quan tâm đến các hoạt động kinh doanh. “Tôi tin tưởng vào chồng tôi nên tôi thấy không có gì là sai cả”.
10h23: Bà Lan cho biết, tất cả các hoạt động tại Công ty B&B bà Lan không nắm được, đặc biệt khi có hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, thời điểm đó, bà Lan đang trong giai đoạn sinh nở.
10h15: Tòa kết thúc phần xét hỏi với tội danh kinh doanh trái phép. Tòa chuyển sang xét hỏi tội danh trốn thuế. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được Tòa cách ly.
Vợ của Nguyễn Đức Kiên bà Đặng Ngọc Lan được tòa mời lên trả lời thẩm vấn. Bà Lan là Tổng Giám đốc của Công ty B&B.
Theo cáo trạng, Công ty B&B được thành lập vào cuối năm 2008. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là: Xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe, kinh doanh vàng bạc, đá quý (không bao gồm xuất khẩu vàng nguyên liệu); quảng cáo và nghiên cứu thị trường.
Dưới sự chỉ đạo của Kiên, bà Đặng Ngọc Lan - đại diện Công ty B&B đã thực hiện ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 01-VGS/HĐƯT.08, ngày 25/12/2008 với Ngân hàng ACB.
Nội dung hợp đồng thể hiện: Công ty B&B ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam theo văn bản của Công ty B&B.
Thực hiện hợp đồng trên, từ ngày 25/12/2008 đến ngày 31/12/2009, Công ty B&B đã có văn bản ủy thác cho Ngân hàng ACB mở trạng thái giao dịch mua bán vàng ngoài lãnh thổ với tổng khối lượng là 440.250 ounce. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, bà Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 010109/ƯTĐT ngày 25/12/2008 và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên là cổ đông Công ty B&B).
Nội dung hợp đồng thể hiện: Nguyễn Thúy Hương ủy thác cho Công ty B&B đầu tư vào việc kinh doanh vàng ghi sổ với số lượng mua/bán là 600.000 lượng vàng SJC (tương đương 720.000 ounce), trong đó giao dịch ngoài lãnh thổ là 45.000 ounce; giao dịch vàng trong nước là 37.500 lượng vàng SJC.
Bà Nguyễn Thúy Hương không phải đặt cọc nhưng phải trả cho Công ty B&B phí ủy thác là 1% lợi nhuận gộp (sau khi trừ các khoản chi phí vốn, chi phí lãi vay Ngân hàng ACB khoản ký quỹ đầu tư) và bà Hương là người quyết định giá mua, giá bán vàng, giá giao dịch.
Cũng trong ngày 25/12/2008, Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Thúy Hương và Nguyễn Đức Kiên ký phụ lục hợp đồng với nội dung: Nguyễn Thúy Hương đồng ý để Công ty B&B được ủy thác lại cho Ngân hàng ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng.
Bà Hương ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên đại diện quyết định và chỉ định cho Công ty B&B thực hiện các vấn để liên quan đến hoạt động mua bán theo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính. Bà Hương được hưởng lợi tức hoặc chịu lỗ từ kết quả hoạt động đầu tư tài chính đã ủy thác bao gồm cả kết quả đầu tư tài chính do Công ty B&B ủy thác lại cho Ngân hàng ACB.
Theo hợp đồng ủy thác này, ngày 24/6/2009, Công ty B&B xác định kết quả ủy thác đầu tư của bà Hương từ ngày 25/12/2009 đến 24/6/2009 thu được lợi nhuận gộp gần 69 tỷ đồng.
Trong năm 2009, Công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái thu được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng nhưng chỉ bằng việc ký hợp Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ký ngày 25/12/2008, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của Công ty cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 25 tỷ đồng.
9h55: HĐXX tiếp tục làm việc. "Bầu" Kiên được HĐXX cho phép trả lời. Bầu Kiên đưa ra một loạt văn bản luật, nghị định liên quan đến việc điều chỉnh, quy định trong kinh doanh vàng.
9h45: Tòa nghỉ giải lao.
Ngày 22/5/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm đã bước sang ngày thứ 3.
Hôm nay, đại diện của Ngân hàng nhà nước đã có mặt.
Trước khi phiên tòa bắt đầu, ông Kiên rất vui vẻ, tự tin, thảo luận với luật sư và trò chuyện với các chiến sỹ công an.
8h30, tòa bắt đầu. Tòa tiếp tục thẩm vấn về hoạt động kinh doanh của công ty Thiên Nam
Người ủy quyền của ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng tổng cục thống kê:
Theo quy định tại điều 7 NĐ43/2010/NĐCP về đăng ký DN thì việc mã hóa ngành nghề kinh doanh chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê. Hoạt động mua bán cổ phiếu đã được xác định mã ngành và gửi cho tòa.
Tổng cục thống kê chỉ có chức năng xác định “mã ngành kinh doanh” mà không có chức năng xác định “mã ngành kinh tế”! Điều này thuộc chức năng của cơ quan khác.
Đại diện Bộ KHĐT:
Để trả lời về câu hỏi hôm qua của tòa, chúng tôi đã liên hệ Vụ tài chính tiền tệ của NHNN và vụ này đã cử người đến tòa, nếu cần thì trong vòng 10 phút sẽ có mặt.
Tòa hỏi lại những câu hỏi về hoạt động kinh doanh giá vàng của ACB, ông Lý Xuân Hải trả lời:
“Kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái vàng là 2 hoạt động khác nhau nhưng về bản chất giống nhau. ACB được cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản và phát sinh các sản phẩm phái sinh để kinh doanh trong nước. Việc cung cấp sản phẩm tùy thuộc vào năng lực tài chính của DN và Ngân hàng cụ thể, vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với hình thức đặt lệnh qua điện thoại.
Chúng tôi không kiểm tra đối tác có giấy phép kinh doanh vàng hay không. Việc ký kết kinh doanh vàng với ACB diễn ra trước khi có quy định của NHNN về kinh doanh vàng vật chất nên việc có giấy phép hay không là do bên mua chịu trách nhiệm. Chúng tôi chỉ xem xét năng lực tài chính của đối tác.
Hôm qua tôi đã giải thích về Kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái vàng, hôm nay tôi không muốn giải thích lại với tòa về các sản phẩm phái sinh nữa.”
Phó phòng kinh doanh vàng của Ngân hàng Á Châu được hỏi về “tiêu chuẩn cụ thể của đối tác để được ký HĐ ủy thác với ACB” nhưng tỏ ra không nắm được, không nhớ quy định và quy trình nghiệp vụ nên không trả lời được.
Vị này nêu ý kiến, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tại nước ngoài tuân theo quy định 03 của NHNN. Có hợp đồng ủy thác giữa VietBank và ACB là do VietBank không có giấy phép kinh doanh vàng nước ngoài nhưng không biết là VietBank có cần có giấy phép kinh doanh vàng trong nước hay không.
Đại diện của NHNN:
Hoạt động kinh doanh vàng tuân theo QĐ 174 của CP và QĐ 03 của NHNN. HĐ kinh doanh vàng có 2 hoạt động là hoạt động SX vàng miếng, xuất khẩu vàng và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.
Theo QĐ 03 của NHNN, VietBank không cần có giấy phép kinh doanh vàng mới có thể ký hợp đồng ủy thác với ACB. QĐ này chỉ quy định các hoạt động trực tiếp chứ không quy định cụ thể về các hoạt động ủy thác kinh doanh vàng.
Ngoài 2 quy định này, Chính phủ và NHNN không có quy định về các hoạt động cụ thể nào khác. Không có căn cứ nào để yêu cầu VietBank phải có giấy phép kinh doanh vàng.
Nói về thời gian gia hạn quyết đinh 03, ông Kiên xin giải thích về nhầm lẫn của NHNN.
“Chính tôi là người gửi thư xin gia hạn lên Thủ tướng chính phủ, xin tòa để tôi giải thích vì đây là một văn bản pháp luật quan trọng…”
Chủ tọa ngắt lời ông Kiên, không cho phép nói vì tòa đang chốt lại các nội dung do NHNN giải thích, những lời ông Kiên cần nói, để đến phần tranh luận.
Tòa hỏi lại NHNN về thời gian gia hạn quyết định 03. Đại diện này nói cần xem lại tài liệu.
Trong thời gian chờ NHNN xem lại tài liệu, Tòa lại hỏi ông Lý Xuân Hải về kinh doanh giá vàng và kinh doanh vàng trạng thái!
Sau khi kiên nhẫn giải thích lại, nhắc lại các lời khai của mình, ông Hải khẳng đinh:
“Đến thời điểm bị bắt, nếu pháp luật không thay đổi, tôi tin rằng tôi không vi phạm điều gì.”
Đại diện NHNN đã trở lại:
“Sau khi xin ý kiến thủ tướng, theo TT số 10 ngày 26/3/2010 của NHNN đã gia hạn QĐ 03 đến ngày 30/6/2010 cho tất cả các ngân hàng chứ không riêng gì ACB. Việc phân biệt kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái vàng là rất phức tạp, NHNN cũng chỉ có chức năng quản lý quy định về kinh doanh vàng vật chất và kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, tôi không đủ căn cứ để nêu quan điểm về điều này. “
Vụ tài chính của Bộ KHĐT:
Hoạt động mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp được xếp vào mã ngành 6490. Việc xếp mã ngành như vậy là để phục vụ cho công tác thống kê, còn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh thì … theo một văn bản khác, xin hỏi đại diện cục đăng ký kinh doanh!
Xem thêm
Xét xử bầu Kiên chiều 21/5
Nguồn CafeF, VOV