Thứ Sáu | 30/05/2014 17:45

[Trực tiếp]: Luật sư bác quan điểm của Viện Kiểm sát về vụ bầu Kiên

Ngày 30/5, HĐXX tiếp tục với phần tranh luận. Trước đó, Nguyễn Đức Kiên vẫn khẳng định mình vô tội.
17h40: Đối với tội danh cố ý làm trái, bị cáo Kiên cho rằng, điều 165, Bộ luật hình sự chỉ điều chỉnh với những người có chức vụ quyền hạn. Việc truy tố Kiên vào tội danh này là vi phạm pháp luật (Kiên nói không thuộc đối tượng vi phạm của điều 165).

Đối với hoạt động ủy thác, Kiên cho rằng, hoạt động này là đúng pháp luật so với một số văn bản của NHNN. Nếu có phát sinh trong ủy thác thì ngân hàng phải xin phép sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. Cho nên Kiên khẳng định, Nghị quyết của thường trực HĐQT ngày 22/3/2010 là quyết định không trái pháp luật.

Đối với hành vi cố ý làm trái, phải được chứng minh bằng hậu quả, Kiên dẫn, chiếu theo điều lệ Ngân hàng ACB cho rằng, HĐQT không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của ACB. Việc tính thiệt hại của ACB phải thông qua đại hội cổ đông ACB. Tính đến nay đại hội cổ đông ACB chưa tiến hành họp nên không thể tính thiệt hại, Kiên nói.

Đối với việc ủy thác tiền gửi, Kiên nhắc lại lời của đại diện Ngân hàng Vietinbank trong phần tranh luận sáng nay tại tòa rằng: “Lời nói của Kiên đúng từng câu từng chữ”. “Nếu đúng như vị đại diện Vietinbank này nói thì Ngân hàng Vietinbank phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường số tiền 718 tỷ đồng”.

17h30: Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phản bác lại quan điểm cáo buộc của VKS “Hành vi được xác lập ngay sau khi nhận được tiền của người mua”. Kiên nói, bất kể hợp đồng ký với nội dung gì, thì người mua xác nhận chuyển đổi cổ phiếu, chưa chuyển tiền vẫn không vi phạm pháp luật.

Đối với tập đoàn Hòa Phát, Kiên nói đây là đơn vị phát hành cổ phiếu và ký giấy xác nhận cổ phiếu. “Hòa Phát là doanh nghiệp nên họ biết có trách nhiệm gì. Trách nhiệm đó không phải là trách nhiệm của tôi”, Kiên nói.

Kiên tiếp tục nhắc lại việc đã phải đấu tranh rất nhiều để không đưa bạn bè vào vòng lao lý. Đối với việc bị quy kết ý thức chiếm đoạt, Kiên nói, Hòa Phát quản lý tài sản cực kỳ chặt chẽ. Trong việc hoán đổi cổ phiếu, việc chuyển số tiền cho Công ty ACBI 264 tỷ đồng thì trong két của Hòa Phát đang giữ của Kiên số tiền 600 tỷ đồng.

Cùng một số lượng, một đơn giá, nhưng tổng số tiền hoán đổi vẫn nằm trong tài khoản của Hòa Phát. “Nếu tôi có ý thức chiếm đoạt tôi sẽ không để số tiền 600 tỷ đồng trong túi của Hòa Phát”, Kiên nói.

17h00: Đối với hành vi trốn thuế, Kiên cho rằng, trong quan điểm của VKS đã rút cáo buộc nói hợp đồng ủy thác kinh doanh tại Công ty B&B là trá hình. Đây cũng là mấu chốt của vấn đề.

Đối với hạch toán tại các hợp đồng ủy thác, Kiên nói, Chi cục thuế Đống Đa kiểm tra, Công ty B&B đã xuất trình những hợp đồng ủy thác và không có sai phạm về thuế.

Kiên xin được nói hộ vợ là công ty đã xin xác minh lại các hợp đồng tài chính. Công ty không phải nộp thuế và không phạm tội trốn thuế.

Bị cáo Kiên đề nghị HĐXX thực hiện giám định tài chính lại hoạt động kinh doanh của công ty để xác định công ty có phải thuế không để từ đó xác định có tội trốn thuế không.

16h40: Đối đáp lại VKS về tội Kinh doanh trái phép, Kiên nói rằng, việc VKS giữ nguyên quan điểm kết luận việc kinh doanh cổ phần, cổ phiếu phải xin phép là bằng chứng để Kiên khẳng định VKS đã làm sai.

Đối với 5 công ty, trong đó có những công ty Kiên góp vốn, bị quy kết kinh doanh trái pháp luật, nhưng Kiên thắc mắc, tại sao chỉ mỗi Nguyễn Đức Kiên bị cho phạm tội. Điều đó chứng minh bị cáo đang bị phân biệt đối xử.

Kiên nói rằng, nếu quy kết như vậy thì hàng loạt công ty kinh doanh trong 20 năm qua vi phạm pháp luật. Nếu như vậy, những người cấp phép đang đứng trước nguy cơ trái pháp luật.

Đối với kinh doanh vàng trái phép, VKS đã không nêu đầy đủ ý kiến Kiên đã nêu, trong đó có văn bản quan trọng là phụ lục ông Trung ký với Ngân hàng ACB, trong đó có quy trình ông Lê Quang Trung – TGD Công ty Thiên Nam đặt lệnh kinh doanh vàng theo văn bản. Việc áp đặt Kiên tội danh này là không đúng pháp luật, Kiên nói.

Tại một số văn bản của NHNN, thì vàng là hàng hóa, và Công ty Thiên Nam được phép đầu tư. Các công ty, người dân gửi tiền của mình tại ngân hàng thì được trả lãi, là khoản thu nhập đầu tư tài chính – do Bộ Tài chính quy định. Hoạt động đầu tư là hoạt động riêng biệt khác biệt so với kinh doanh. Việc đầu tư và kinh doanh là hai hoạt động khác nhau, Kiên phân tích.

Dẫn tiếp văn bản của Bộ KHĐT, Kiên nói, văn bản 370, Kiên biết từ lâu và Kiên nói rằng không có quy định mã ngạch về kinh doanh cổ phần, cổ phiếu.

16h24: Luật sư Nam xin dừng để nhường cho Nguyễn Đức Kiên nói.

16h20: Đối với tội Cố ý làm trái, đã đề nghị triệu tập và đã có lời khai về những cán bộ Vietinbank thừa nhận Vietinbank bị Huyền Như lừa. Việc VKS không đối đáp chứng tỏ cơ quan công tố đã thừa nhận sự việc. Nếu thừa nhận thì chắc chắn Vietinbank đã bị lừa.

Liên quan đến vấn đề tố tụng, ông Nam tiếp tục nhắc lại hồ sơ, lời khai của Huyền Như đều được chuyển từ vụ án khác (vụ án Huyền Như) chuyển sang vụ án này. Trong khi đó, hồ sơ của Huyền Như trong vụ án đó, Như là bị can. Phải lấy Huyền Như là người liên quan đến vụ án này.

16h10: Tiếp tục đối đáp tại tòa, luật sư Vũ Xuân Nam – bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng, ở tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài liệu điều tra, cũng như cơ quan tố tụng đã có sự nhầm lẫn về cổ phần – cổ phiếu.

“Sự nhầm lẫn này xảy ra thường xuyên”, ông Nam nói. Tuy nhiên sự nhầm lẫn này đối với vụ án đã dẫn đến việc 3 bị cáo bị tội nặng. Bởi vậy luật sư Nam đề nghị HĐXX làm rõ bởi việc chuyển nhượng giữa các công ty với nhau chỉ là chuyển nhượng cổ phần, trong khi đó cổ phần của bầu Kiên tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát không bị phong tỏa.

15h50: Phiên tòa tiếp tục

15h40: HĐXX nghỉ giải lao.

15h38: Luật sư đại diện Ngân hàng Vietinbank: Việc ACB mất số tiền 718 tỷ đồng là lỗi của ACB. Tại tòa không luật sư nào chứng minh được Vietinbank sai sót trong nghiệp vụ. Luật sư đại diện cho rằng “Người không làm sai đang cứ bị gắn tội”.

15h35: Luật sư đại diện Ngân hàng ACB tiếp phần đối đáp: Mấu chốt, ai chiếm đoạt của ai?. Người chiếm đoạt thì đã rõ (Huyền Như). Huyền Như đã chiếm đoạt tài sản của Vietinbank. Vietinbank đã bị nhân viên rút ruột. Đề nghị HĐXX thận trọng khi phán quyết đối với vụ án này.

15h24: Luật sư Hoàng Đôn Hùng – bảo vệ bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục đối đáp với VKS về tội cố ý làm trái.

Ông Hùng dẫn lại quan điểm của VKS và nói rằng quan điểm của VKS chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Huyền Như. Theo ông Hùng, VKS vẫn chưa làm rõ hành vi để xác minh, làm rõ lãi suất 32 hợp đồng tiền gửi là nguồn tiền nào. Ai là người chi trả nguồn tiền này vào tài khoản của các nhân viên ACB.

Đối hành vi Huyền Như hủy thông tin của khách hàng để thay vào thông tin khác để lợi dụng nhằm rút tiền, thời gian diễn ra hơn 1 năm rưỡi mà không bị phát hiện. “Điều này cho thấy Vietinbank quản lý lỏng lẻo”, ông Hùng nói.

Kết luận lại quan điểm của mình, ông Hùng nói rằng, sai phạm của hành vi này bắt nguồn từ một loạt vấn đề là: Sai phạm chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật, thấy sai phạm nhưng không ngăn chặn và chậm cảnh báo. Hậu quả là Huyền Như đã chiếm đoạt tài sản.

Đối với việc đầu tư cổ phiếu, ông Hùng nói rằng, VKS dựa vào việc ngân hàng ACB cho Kienlongbank và Vietbank, ACI và ACI-HN vay tiền với lãi suất chênh lệch để cáo buộc là không có cơ sở, mang tính suy diễn. Luật sư Hùng đề nghị cần làm rõ vấn đề này.

15h00: Tiếp tục đối đáp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Ngô Huy Ngọc nói: VKS trích dẫn liên tục sự việc ngày 5/9/2012, Tập đoàn Hòa Phát có đơn gửi cơ quan điều tra. Đơn có trích dẫn cam kết mua bán giữa Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI). Cam kết này, VKS cho rằng ACBI vi phạm.

Tuy nhiên theo luật sư Ngọc, ACBI hoàn toàn đúng, chưa vi phạm vì cổ phiếu vẫn đang thuộc sở hữu của ACBI.

Về việc VKS quy kết là cổ phiếu đang bị thế chấp, nhưng Kiên vẫn chỉ đạo làm hợp đồng mua bán cổ phiếu, ông Ngọc nói, việc hợp đồng bị phong tỏa không chỉ Kiên biết mà Tập đoàn Hòa Phát cũng biết.

14h30: Luật sư Bùi Quang Nghiêm: bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Ý kiến của VKS trong phần đối đáp về tội kinh doanh trái phép không có gì mới so với cáo buộc trước đó.

Trong phần phản bác lại quan hệ của luật sư, VKS đã không nhắc đến trả lời của đại diện cơ quan quản lý doanh nghiệp và quản lý kinh doanh liên quan đến hành vi phạm tội của bầu Kiên.

14h28: Luật sư Nguyễn Đình Hưng – bảo chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa chiều nay.

Đối đáp quan điểm của VKS, ông Hưng nói, VKS dẫn chứng việc mua cổ phiếu ngân hàng ACB được bàn rất kỹ. Trong khi đó tại hồ sơ hoàn toàn không có. Theo ông Hưng, tại ACB, mọi phán quyết đều phải có văn bản. Cho nên, đề nghị HĐXX đây không phải là quyết sách của HĐQT.

Một số vấn đề tố tụng, ông Hưng cho rằng vẫn chưa được VKS phúc đáp. Ông Hưng thắc mắc, trong cáo trạng thiếu nội dung chiếm đoạt tiền của Huyền Như, chỉ được mô tả lại chứ không được chứng minh bằng hành vi.

Luật sư Hưng đề nghị, HĐXX khi nghị án phải xem xét vấn đề này, bởi nếu vụ án Huyền Như thay đổi sẽ ảnh hưởng đến vụ án này.

VKS kết luận việc ban hành kết luận trái với điều 106, Luật tổ chức tín dụng. Tại sao lại cứ áp đặt việc ban hành nghị quyết ủy thác khi Luật các tổ chức tín dụng chưa hiệu lực. Nếu không có điều 106 thì Nghị quyết ủy thác tiền gửi của HĐQT sẽ hoàn toàn khác.

Đối với việc mua cổ phiếu của ACB, luật sư nói trong nghị quyết của HĐQT hoàn toàn không nói đến việc mua cổ phiếu của ACB. Ông Hưng đề nghị VKS làm rõ vấn đề này.

14h10: HĐXX bắt đầu làm việc.

Nguồn VOV


Sự kiện