Ảnh: Quý Hòa.
Trọng trách của quý IV
GDP quý III giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước - quý chứng kiến mức giảm sâu nhất kể từ năm 2000 khi Việt Nam tính và công bố GDP quý. Tăng trưởng âm là cú sốc lớn đối với nền kinh tế Việt Nam làm thay đổi mọi dự báo về tăng trưởng cả năm được đưa ra trước đó. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, GDP quý III âm là việc phải chấp nhận bởi đây là quý khó khăn nhất của nền kinh tế khi dịch bệnh bùng phát phức tạp nhất kể từ năm 2020 tới nay, buộc 25 tỉnh, thành trên cả nước phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội.
“Áp lực tăng trưởng quý IV rất lớn bởi đây là quý kéo mức tăng trưởng của cả nền kinh tế”, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), nhận định. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm, với mức tăng trưởng 9 tháng 1,42% thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm là khó khả thi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 3% cả năm thì quý IV phải đạt 7,06% trở lên. Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,5%, GDP quý IV phải đạt 8,84% trở lên.
Tăng trưởng cao của quý IV sẽ phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch và tốc độ tiêm vaccine; sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới; chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Đây sẽ là 4 nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022.
Có thể thấy, Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện tăng trưởng trong quý còn lại của năm. “Các doanh nghiệp, khu vực kinh tế đạt khoảng 80% công suất trong quý IV sẽ là thành công lớn, góp phần phục hồi kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Nhận định này có cơ sở trong bối cảnh một số tỉnh, thành phố đang dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội kể từ giữa tháng 9 do số ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày có xu hướng giảm trong những tuần vừa qua. Việt Nam đang quyết liệt kiểm soát dịch và chiến lược tiêm chủng hướng tới mục tiêu 70% mũi 2 toàn dân vào năm 2022.
Động lực tăng trưởng sẽ đến từ 3 trụ cột đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng dân cư. Theo đó, với đầu tư công, 3 tháng cuối năm, gần 250.000 tỉ đồng đầu tư công cần giải ngân. Xuất khẩu cùng với mở cửa nền kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thúc đẩy chung cho sản xuất và xuất khẩu.
Khi nhìn vào thị trường xuất khẩu, tất cả các thị trường xuất khẩu chính mà Việt Nam nhắm đến đều đang phục hồi mạnh mẽ. Tính chung 9 tháng qua, xuất khẩu hàng hóa giữ được mức tăng trưởng dương và tăng ở hầu hết các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật, ASEAN... Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỉ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, cán cân thương mại quay trở lại “vị thế” xuất siêu trong tháng 9 với 0,5 tỉ USD.
Ảnh: Quý Hòa. |
IHS Markit dự báo, GDP thực tế toàn cầu sẽ tăng 5,7% vào năm 2021 và 4,5% vào năm 2022 sau khi giảm 3,4% vào năm 2020. Kéo theo đó là thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Tận dụng cơ hội này để giành được các đơn hàng lớn sẽ giúp Việt Nam phục hồi sản xuất trong nước trong thời gian tới là hết sức quan trọng.
Còn với thị trường tiêu dùng trong nước, theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế của World Bank, nếu nhận được sự hỗ trợ cần thiết, ngay khi mở cửa nền kinh tế, tổng cầu lập tức phục hồi trở lại vị trí và hoạt động trước đó. Đặc biệt là có thể cần điều chỉnh lĩnh vực bảo trợ xã hội như hỗ trợ các hộ gia đình mạnh mẽ hơn nhằm tạo ra hỗ trợ về cơ bản cho tổng cầu khi họ sắp thoát khỏi tình trạng phong tỏa.
“Giả sử việc mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra thuận lợi để cho phép các doanh nghiệp và nhà máy “bắt kịp” sản lượng bị mất và tỉ lệ tiêm chủng tăng theo kế hoạch, GDP của Việt Nam có thể phục hồi lên 7% trong quý IV. Điều này sẽ giúp tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 3%, thấp hơn so với dự báo trước đây là 5%”, báo cáo của UOB nhận định.