Trong thị trường làm đẹp trị giá 2,35 tỷ USD
Mekong Beauty Show, một triển lãm các sản phẩm làm đẹp, đã sang mùa thứ 2. Tổng giám đốc Informa Beauty, bà Claudia Bonfiglioli, cho biết, nhiều nhãn hàng của châu Âu tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam thông qua triển lãm này.
Thị trường mỹ phẩm toàn cầu đạt doanh thu 480 triệu EURO vào năm 2017. Theo bà Claudia Bonfiglioli, tại thị trường Đông Nam Á, các nhà sản xuất đang đưa ra những sản phẩm mới với niềm tin tạo đột phá cho năm 2018.
Thiếu kết nối
Tại thị trường Việt Nam, sản phẩm hữu cơ của rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm tên tuổi trên thế giới xuất hiện ngày một nhiều, nhưng người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều hơn đến các hoạt chất trong các sản phẩm này.
Mong muốn tạo đột phá, nhưng Tổng giám đốc Informa Beauty cũng đề cập đến sự “thiếu kết nối” giữa các nhà sản xuất với hệ thống phân phối cũng như toàn bộ thị trường mỹ phẩm. Bà cũng nhắc đến “tính minh bạch” đang là những yếu tố các nhà sản xuất mỹ phẩm phải tuân thủ.
Số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và World Bank, giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam năm 2011 là 500 triệu USD nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 2 tỷ USD, thông tin được các nhà sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chia sẻ tại họp báo Mekong Beauty Show.
Công nghiệp làm đẹp đang phát triển mạnh cùng các phân khúc mỹ phẩm được mở rộng tại Việt Nam. Dù vậy, bà Bùi Ngọc Quỳnh Giao, Giám đốc thương hiệu của Ilahui Việt Nam, vẫn cho rằng đang có “nhiều cái khó” trong kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
Sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu đang giành được sự quan tâm lớn hơn so với sản phẩm nội địa. Thế nhưng, việc phát triển thị trường mỹ tại Việt Nam cho các dòng sản phẩm mới là không dễ dàng.
Các nhãn mỹ phẩm mới đang gặp không ít khó khăn trong việc định hình phân khúc, lựa chọn đối tượng và định giá sản phẩm. Trong khi đó, việc đưa sản phẩm từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam có nhiều vướng mắc trong nhập khẩu và làm hồ sơ công bố sản phẩm.
Sản phẩm làm đẹp của nhãn SELL and Cool của Hàn Quốc đã có mặt ở thị trường các nước châu Âu, thậm chí cả Pakistan, nhưng không thể vào Việt Nam do hồ sơ nhãn hàng này không đáp ứng các quy định của Việt Nam.
Chưa hết, nạn hàng nhái đang là nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của không ít nhãn mỹ phẩm. Các “thượng đế” đã quay lưng với sản phẩm của The Face Shop và Innisfree khi thị trường xuất hiện ngày một nhiều sản phẩm giả, nhái nhãn mác thông qua hình thức “xách tay”.
Sản phẩm của Avon và Oriflame đến nay đã gần như không xuất hiện, dù hơn 10 năm trước từng rất nổi, khi các phân khúc mỹ phẩm chưa mở rộng và công nghiệp làm đẹp chưa phát triển như hiện nay.
Thậm chí, Oriflame đã mời người diễn viên Trương Ngọc Ánh làm đại sứ thương hiệu, nhưng việc mời người nổi tiếng đã không cứu vớt được thương hiệu này, do sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Lý do Oriflame, một nhãn hàng tầm trung, phù hợp với phần lớn người tiêu dùng Việt Nam, bị thị trường từ chối đến từ 3 yếu tố: sản phẩm không có sự đổi mới, các kênh tiếp cận sản phẩm không chính thống và sản phẩm đơn điệu, chỉ là các sản phẩm trang điểm nhẹ hoặc nước hoa.
Mỗi một người Việt đang chi tiêu trung bình 4 USD/năm cho việc làm đẹp. Điều này đã góp phần tạo ra sự cạnh tranh sôi động trên thị trường Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế phát triển, xu hướng lựa chọn sản phẩm cao cấp cũng gia tăng thêm áp lực cho dòng sản phẩm tầm trung.
Đến gần thiên nhiên
Một báo cáo của Mintel cho thấy, nhiều khả năng thị trường mỹ phẩm Việt Nam sẽ cán mốc 2,35 tỷ USD vào năm 2018. Con số này vào năm 2016 là 1,78 tỷ USD, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam là quốc gia có tỷ suất tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Dự báo cho đến năm 2020, tầng lớp trung lưu là những người chi tiêu mạnh cho mỹ phẩm sẽ gia tăng nhanh chóng, lên con số 33 triệu người. Đó là khi nền kinh tế phát triển cao với GDP tăng trên 6% và lượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm trên 60% dân số.
Bà Huỳnh Bích Trân, Phó Giám đốc về Dịch vụ đo lường, bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết, 60-72% người tiêu dùng Việt Nam chịu trả tiền cho các sản phẩm mỹ phẩm cao cấp thuần thiên nhiên, đặc biệt là những sản phẩm được cải tiến. Con số này của thị trường châu Á là 43%.
Theo bà Trân, có nhiều lý do để người tiêu dùng lựa chọn những dòng sản phẩm cao cấp đến từ các nhãn hiệu nổi tiếng, giúp nhóm tiêu dùng này “cảm thấy” tự tin với xã hội. Trong khi đó, an toàn sức khỏe lại là yếu tố chính được đề cao với nhóm tiêu dùng sản phẩm cải tiến, sản phẩm thiên nhiên và oganic.
Đến nay, thị trường Việt Nam đã có mặt hầu hết các nhãn hiệu mỹ phẩm hàng đầu thế giới. Các dòng sản phẩm được định hình rõ cho từng nhóm khách hàng, thay vì sản xuất một sản phẩm phù hợp cho mọi đối tượng khách hàng.
Cạnh tranh cũng giúp nhiều nhãn hàng mỹ phẩm phát triển tại Việt Nam. Shiseido đã mở ra được showroom, thay cho một vài cửa hàng ở một số trung tâm thương mại. Hay Ohui gần như không ra mắt sản phẩm mới trong một vài năm gần đây nhưng hồ sơ sản phẩm đã lọt vào “top” nhãn hàng được sử dụng lâu dài.
Trên thực tế, thị trường Việt Nam khá dễ về mặt khách hàng, với đời sống ngày một cao và nhu cầu về chi tiêu lớn. Do đó, Tổng giám đốc Informa Beauty tin rằng, nếu tạo được sự đột phá, các nhãn hàng trong và ngoài nước sẽ hưởng lợi rất lớn từ thị trường Việt Nam.