Trong biến động, PVN về đích an toàn
Tuy nhiên, trong tâm điểm của vụ bê bối đó, PVN vẫn công bố kết quả kinh doanh lạc quan. Theo thông tin mới nhất của PVN, tính đến hết tháng 11.2017, PVN gần như đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất. Trong đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng như tổng doanh thu, PVN còn về đích trước 1 tháng, đạt 437.800 tỉ đồng; riêng đối với chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước, sản xuất phân đạm, PVN cũng đã sớm vượt kế hoạch năm.
Kế hoạch khiêm tốn
Trên thực tế, năm 2017, PVN đã đề ra cho mình một chỉ tiêu kế hoạch khiêm tốn hơn so với khả năng thực hiện của các năm trước. Báo cáo của PVN cho hay, doanh thu năm 2017 ước ở mức thấp nhất so với 3 năm trước đó. Tương tự, các chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng, khai thác dầu khí, sản xuất phân ure, điện, xăng dầu cũng giảm hơn những năm 2015-2016.
Nguyên nhân từng được lãnh đạo PVN nhận định là do giá dầu sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của PVN. Chẳng hạn năm 2016, trước biến động giá dầu, PVN bị thất thu khoảng 100.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Sang năm 2017, với dự đoán khó khăn vẫn còn chồng chất và giá dầu diễn biến khó lường, PVN đã đề ra cho mình mục tiêu kinh doanh thận trọng.
PVN là tập đoàn dầu khí quốc gia, trực thuộc quản lý của Chính phủ. Mảng thăm dò, khai thác, kinh doanh dầu khí cùng các dịch vụ liên quan luôn được xem là một trong những ngành chiến lược, có liên quan đến an ninh quốc gia. Vì thế, PVN có những đặc thù và vị thế rất đặc biệt.
Dưới PVN là một mạng lưới các công ty con đầy phức tạp. Theo dữ liệu cập nhật, PVN hiện sở hữu 16 công ty, với 5 công ty là nắm giữ 100% vốn điều lệ. Còn lại, PVN nắm quyền chi phối. Tuy nhiên, đến năm 2020, theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, PVN sẽ phải tiếp tục giảm sở hữu ở nhiều đơn vị.
Trong đó, PVN sẽ phải thoái vốn toàn bộ khỏi PVI, Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Riêng đối với 2 công ty con là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), PVN sẽ giảm sở hữu nhà nước còn 51% ngay trong năm 2018.
Ở các năm tiếp theo, PVN dự kiến giảm tỉ lệ nắm giữ tại Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas - GAS), Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans - PVT), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lọc - hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)... Như vậy, cơ cấu sở hữu của PVN trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi.
Gà nào đẻ trứng vàng cho PVN?
Trong danh sách các công ty con của PVN, PV Gas có đóng góp quan trọng. Cả năm 2017, PV Gas ước đạt 51.479 tỉ đồng doanh thu, tương đương khoảng 12% tổng doanh thu cho PVN và cũng có thể góp 18-20% lợi nhuận ròng cho Tập đoàn. PV Gas là doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp khí và được độc quyền về thu gom cũng như điều phối.
Với lợi thế đặc biệt này, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), PV Gas có biên lợi nhuận khá cao, trung bình 22%/năm. PV Gas cũng là nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng (LPG) duy nhất, tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Dinh Cố. Nhưng nguồn cung LPG thường thiếu hụt một nửa nên Việt Nam phải nhập khẩu thêm khí LPG từ các nước như Ả Rập Saudi, Qatar, UAE, Kuwait, Trung Quốc...Trong kế hoạch đầu tư, PVN ưu ái dành cho PV Gas khoản tiền gần 4.000 tỉ đồng để PV Gas đầu tư đường ống dẫn, nhà máy xử lý khí, nhập khí mới.
Nhưng khoản đầu tư lớn nhất, gần 7.200 tỉ đồng, PVN lại dành cho PVEP, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Đây cũng là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong Tập đoàn. 11 tháng năm 2017, PVEP ước đạt doanh thu gần 31.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế trên 1.100 tỉ đồng. Các con số này tương ứng mức đóng góp 7% tổng doanh thu và 3,3% lợi nhuận cho PVN.
BSR đáng chú ý hơn khi ngày 7.1 tới đây sẽ tiến hành IPO, với mức định giá khoảng 2 tỉ USD. Theo thông tin từ BSR, đã có 17 quỹ đầu tư, 5 đối tác là các tập đoàn lớn muốn tham gia đầu tư chiến lược vào BSR. Xét về kinh doanh, 10 tháng đầu năm nay, BSR đạt doanh thu 63.300 tỉ đồng, cao nhất trong số các công ty con của PVN và ước chiếm khoảng chiếm 14,5% tổng doanh thu PVN.
Riêng PV Oil hiện là nhà phân phối xăng dầu lớn thứ 2 ở Việt Nam, sau Petrolimex. Năm 2017, PV Oil ước tính doanh thu hợp nhất đạt 55.500 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 520 tỉ đồng. Tính ra, PV Oil có thể đóng góp 12,6% tổng doanh thu và 1,5-2% lợi nhuận cho PVN.
PV Power có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 trong PVN nhưng đóng góp vào kinh doanh PVN lại ở mức trung bình. Cả năm 2017, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) ước tính PV Power có thể đạt doanh thu thuần 31.500 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế khoảng 1.900 tỉ đồng, tức ước góp khoảng 7,2% doanh thu và 5,6% lợi nhuận sau thuế cho PVN.
Trong mảng sản xuất phân đạm ghi nhận sự hiện diện của DPM và DCM. Nhưng so sánh sức đóng góp vào PVN, cả DPM và DCM đều giữ vai trò khiêm tốn, với doanh thu hiện dưới 10.000 tỉ đồng/năm. Rủi ro cho DPM và DCM là phụ thuộc khá nhiều vào biến động giá khí, giá than. Ngoài ra, theo FPTS, công suất của các nhà máy phân đạm thuộc DPM, DCM đã vượt nhu cầu và tiêu thụ phân ure cũng bước vào giai đoạn bão hòa. DPM và DCM sẽ phải điều chỉnh sản lượng và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch bán khí của các thành viên PVN.
Trên thực tế, hoạt động của các công ty trong PVN thường có những bấp bênh từ rủi ro bên ngoài. Điển hình như hoạt động khoan và cho thuê giàn khoan của PV Drilling (PVD) bị tác động nghiêm trọng do giá dầu sụt giảm. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán, phải đến năm 2019, nếu giá dầu vẫn giữ như mức hiện tại, PVD mới hy vọng thoát lỗ từ mảng cốt lõi.
Nhưng những khó khăn của các đơn vị thành viên chưa phải là tất cả áp lực cho PVN. Hiện PVN đang mắc kẹt vào những dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng. Đó là tình hình tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ ngày càng xấu đi vì vướng vào kiện tụng và thua lỗ gần 3.500 tỉ đồng. Nhà máy đóng tàu Dung Quất không có khách hàng và lỗ hơn 3.700 tỉ đồng. Riêng 3 dự án nhiên liệu sinh học ở Quảng Ngãi, Bình Phước và Phú Thọ, theo Thanh tra Chính phủ, tổng tiền thanh toán đến hết năm 2014 là hơn 5.400 tỉ đồng nhưng đều chưa đem lại hiệu quả.
Sai phạm ở dự án Phú Thọ được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ do PVN chỉ định thầu trái pháp luật. Còn sản phẩm ở dự án ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) làm ra không tiêu thụ được. Riêng nhà máy ethanol ở Bình Phước hầu như không vận hành thương mại. Hướng xử lý cho 5 dự án này là phá sản nhà máy đóng tàu, tìm cách thoái vốn ở các dự án nhiên liệu sinh học và tái khởi động Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn án binh bất động.