Trở thành "điểm nóng" về blockchain, Việt Nam thiếu nhân lực IT
Báo cáo của TopDev, cho biết tính đến quý II.2018, lượng việc làm IT đã tăng đến 74% so với năm 2012 và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Việt Nam sẽ cần đến 350.000 - 500.000 nhân lực IT đến trước cuối năm 2021. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 200.000 nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu công việc.
Hiện tại, lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam dao động 10 - 25 triệu đồng/tháng. Trong đó, ở phân khúc lập trình web, các lập trình viên có mức lương 8 - 13 triệu đồng cho lập trình viên front-end và 11 - 15 triệu đồng cho lập trình viên back-end. Trong khi đó, các vị trí quản lý có mức lương cao dao động 30 - 66 triệu đồng và xu hướng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Những lập trình viên có kiến thức và kinh nghiệm về blockchain có mức lương trung bình có thể sẽ tăng gấp 3 lần do nhu cầu tuyển dụng lớn. Tuy nhiên, nhóm nhân sự này rất khan hiếm, chỉ chiếm 2 - 5% toàn thị trường.
Về phía lập trình viên, khảo sát 10.000 ứng viên của TopDev cho biết hơn 40% không hài lòng với mức lương hiện tại, gấp 3 lần số lượng người hài lòng. Chính vì thế, hơn 50% số ứng viên tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ nhảy việc ngay nếu nhận được đề nghị với lương và phúc lợi tốt hơn.
Cũng theo mạng tuyển dụng này, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ trở thành "điểm nóng" về blockchain của khu vực trong thời gian tới, với số lượng việc làm được tìm kiếm đạt mốc cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Hiện có hơn 100 công ty công nghệ và hơn 5000 lập trình viên tại Việt Nam đang phát triển các sản phẩm công nghệ dựa trên nền tảng blockchain.
Theo khảo sát của Navigos Group, công nghệ blockchain là công nghệ mới đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian gần đây. Công nghệ này được áp dụng trong các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, fintech, hậu cần (logistic), y tế và nhiều lĩnh vực khác…và hiện đang được các cơ quan Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm.
Theo Navigos, hiện nay thị trường lao động rất thiếu các nhân sự có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực blockchain. Do vậy, các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển các kỹ sư công nghệ thông tin nói chung và họ sẽ được dành ra 3 tháng để nghiên cứu về công nghệ này trước khi được thực hiện phát triển sản phẩm thực tế.
Cũng theo quan sát của Navigos, mặc dù đội ngũ kỹ sư của còn trẻ và có nhiều hứng thú với công nghệ mới, nhưng họ vẫn còn tương đối e dè khi quyết định chuyển sang lĩnh vực này để làm việc. Trong khi đó, do tuyển rất khó kỹ sư IT Việt, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này phải tuyển các chuyên gia từ nước ngoài chủ yếu ứng viên đến từ Nga, Ucraina và Mỹ, mặc dù mức lương trả cho ứng viên người Việt và người nước ngoài tương đương nhau khoảng từ 2.000 USD/tháng đến 3.000 USD/tháng.
Cũng trong quý II, thị trường miền Bắc lại chứng kiến nhu cầu tuyển dụng tăng rất cao các vị trí kỹ sư công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và Fintech. Lý do chủ yếu là các doanh nghiệp này đang muốn xây dựng đội ngũ kỹ sư IT nội bộ phục vụ cho việc phát triển các sản phẩm trong cuộc đua “công nghệ số” ngành tài chính, ngân hàng.
Hiện công nghệ blockchain tại Việt Nam đang được áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (83%), chuỗi cung ứng (40%) và dịch vụ công cộng (30%). Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm cũng đang lên kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ này.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang muốn tham gia đầu tư mạnh vào thị trường blockchain tại Việt Nam. "Tôi nghĩ có nhiều cơ hội giúp cho chúng ta cùng làm việc với nhau. Tôi mong muốn đưa các đồng nghiệp, nhóm làm việc của tôi đến Việt Nam vì các bạn rất thông minh chịu khó. Việt Nam cũng có rất nhiều nhân tài", ông Tong Hsien-Hui, Phó giám đốc Investments SGInnovate cho biết.
Ông David Nguyễn, Chủ tịch Quỹ đầu tư Regulus, cho rằng 99% nhân sự trong các công ty công nghệ blockchain của Việt Nam đều đến từ ngành CNTT trong nước. Do đó, sẽ có sự thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực này nếu Việt Nam không có những bước chuẩn bị tốt nhất để đón kịp xu hướng này.