Trở ngại khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đang là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam khi trao đổi hàng hóa 2 nước có tính bổ sung cho nhau. Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng đột biến khi TPP được ký kết.
Việt Nam xuất siêu lớn sang Hoa Kỳ. Ảnh: Hà Phương
Giấc mơ “vượt mặt” các đối thủ
Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Hoa Kỳ tổng kim ngạch XK đã lên tới 23 tỷ USD, trong khi nhập khẩu (NK) từ Hoa Kỳ là 4,8 tỷ USD. Tính riêng 9 tháng năm 2014, Việt Nam đã XK sang Hoa Kỳ đạt 20,8 tỷ USD, NK 4,6 tỷ USD. Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường này.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhìn nhận, nếu nhìn vào tổng thể kim ngạch NK của Hoa Kỳ thì thấy rằng con số XK của Việt Nam quá nhỏ bé, chỉ những năm gần đây có mức tăng trưởng từ 15-20%. Cụ thể, năm 2001 Việt Nam chỉ XK hơn 1 tỷ USD sang Hoa Kỳ nhưng đến hết năm 2013 Việt Nam đã chiếm 0,98% tổng kim ngạch NK của Hoa Kỳ (năm 2013, Hoa Kỳ NK đến 2.320 tỷ USD).
Như vậy, cơ hội gia tăng XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ là rất lớn. Cơ hội này càng nhìn thấy rõ hơn khi TPP được ký kết. Ông Dương cho biết, TPP là giấc mơ của những người làm chính sách thương mại và xúc tiến bởi cách đây 15-20 năm, các nhà làm chính sách như chúng tôi đã mơ ước có một hiệp định như TPP để hướng về XK. Trên thực tế, Hoa Kỳ là thị trường NK khổng lồ nhưng hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Hàng hóa Hoa Kỳ sản xuất thì Việt Nam không thể sản xuất được, mặt hàng Việt Nam sản xuất được thì Hoa Kỳ không làm. Nếu họ làm những mặt hàng tương đồng với Việt Nam thì họ không phải là nền kinh tế đứng đầu thế giới. “Do vậy, không có gì lo ngại về việc có TPP thì hàng Hoa Kỳ sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. TPP là cơ hội, giấc mơ “vượt mặt” các nước cùng cạnh tranh ở thị trường Hoa Kỳ của Việt Nam”, ông Dương khẳng định.
|
Cùng chung nhận định trên, bà Marybeth Turner, chuyên viên kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Đây là cơ hội lớn đối với Việt Nam như: Mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng XK của Việt Nam, giúp Việt Nam nâng cao vị thế, hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, XK của Việt Nam có thể tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời Việt Nam có thêm 28 tỷ USD từ thu hút đầu tư nước ngoài khi có TPP.
Cơ hội luôn đi kèm với thách thức
Là một DN đã từng XK dệt may sang Hoa Kỳ nhưng ông Nguyễn Đỗ Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may mặc Paroxy cho biết, XK sang Hoa Kỳ trước thềm TPP, ông lo nhiều hơn mừng, vì thách thức sẽ rất lớn. “Theo quy định của TPP, tỷ lệ % nội địa của sản phẩm phải trên 50% để tính xuất xứ hàng hóa, trong khi DN Việt Nam hiện nay, nhất là trong ngành dệt may chủ yếu là gia công, tỷ lệ này rất khó đạt.
Hơn thế, nguyên liệu sản xuất trong nước phục vụ ngành dệt may cũng chưa nhiều và chưa rộng. Thách thức này nếu không được giải quyết bằng chính sách phù hợp thì sẽ “chặn đứng” các lợi ích của TPP với DN Việt”, ông Kiên lo lắng. Hiện công ty này đã đi tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để chuẩn bị tận dụng tối đa các cơ hội ngay khi TPP có hiệu lực, dự kiến vào năm 2015, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Không chỉ DN lo lắng mà ngay cả những người làm chính sách cũng lo lắng trước những thách thức sắp tới. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường Hoa Kỳ có nhiều thách thức vì hệ thống luật pháp đương đối phức tạp. Nếu DN không nắm vững thì sẽ khó khăn trong việc XK. Chưa kể đến, trong xu hướng rào cản thương mại sắp tới sẽ có thay đổi về mặt bản chất. Thay vì quy định với sản phẩm hoàn thiện, các nước sẽ chuyển sang rào cản mang tính chất quy trình mà một số mặt hàng có thể không vượt qua nổi.
Trong bối cảnh thách thức đan xen với cơ hội, để kinh doanh bền vững tại thị trường Hoa Kỳ, ông Stuart Schaag, Tham tán thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội khuyến cáo, DN muốn đầu tư cũng như bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ, trước hết phải tìm hiểu về biểu thuế quan của Hoa Kỳ, từ đó xác định nhu cầu cũng như đối thủ cạnh tranh cho sản phẩm của mình. “Nếu như sản phẩm là nguyên liệu đầu vào thì trước tiên hãy tìm đến hiệp hội của ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm đó. Ở Hoa Kỳ, hầu như các ngành, sản phẩm đều có hiệp hội DN, thành viên những hiệp hội này sẽ là những khách hàng tiềm năng”, ông Stuart Schaag nói.
Bên cạnh đó, DN có thể tìm kiếm khách hàng qua website của các hiệp hội. Ví dụ, những vấn đề liên quan đến tàu thuyền thì tìm đến trang thông tin của Hiệp hội các nhà cung cấp cho ngành đóng tàu hay Hiệp hội máy móc hàng hải. Về xe cộ thì có Liên minh các nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ… Ngoài ra, Hoa Kỳ là một thị trường khó tính với nhiều luật lệ phức tạp, mỗi bang lại có quy định riêng, do đó DN Việt Nam khi làm ăn ở thị trường này phải chịu khó tìm hiểu kỹ luật lệ, nếu không sẽ dễ dẫn đến những vụ kiện, tranh chấp thương mại.
Nguồn Hải quan