Thứ Hai | 30/05/2016 13:00

“Trò chơi vương quyền” ở Eximbank

Tranh cãi quanh chuyện HĐQT nên có 9 hay 11 người, Đại hội cổ đông lần thứ 2 ở Eximbank lại một lần nữa thất bại.

Bóng đá, môn thể thao vua, cần 11 cầu thủ để chơi, còn Hội Đồng quản trị đương nhiệm của Eximbank thì tin rằng chỉ cần 9 người để điều hành và quản trị hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm cổ đông lớn còn lại (đại diện cho tổng cộng hơn 22,24% cổ phần) cho rằng mình có quyền chính đáng để được thêm 2 chiếc ghế trong Hội đồng Quản trị. Dù là con số 9 hay 11 thì một thực tế đã diễn ra: thêm lần nữa, Đại hội cổ đông lần thứ 2 ở Eximbank lại thất bại.

9 hay 11?

Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 2 của Eximbank đáng lẽ diễn ra từ 9h, nhưng mãi đến 10h30 mới thực sự bắt đầu, do các cổ đông tranh cãi nhau ngay từ quy chế tổ chức Đại hội. “Thất vọng” là tâm trạng mà những cổ đông sáng lập của Eximbank bày tỏ, trước cảnh tranh cãi nhau một cách “mất trật tự”. Đỉnh điểm của Đại hội có lẽ là lúc ông Đặng Phước Dừa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ trước, đứng trước Đại hội yêu cầu toàn bộ Hội đồng Quản trị đương nhiệm từ chức.

Vấn đề nhân sự cấp cao đang làm đình trệ các hoạt động thường niên của Eximbank, mặc dù Hội đồng Quản trị đương nhiệm không thừa nhận có cuộc khủng hoảng này. Trên thực tế, Đại hội có nguy cơ thất bại ngay từ đầu khi có đến hơn 51% số cổ phần bày tỏ không đồng ý khi ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, phát biểu rằng không đưa tờ trình số 5 và số 12 (liên quan đến vấn đề bầu cử nhân sự) để tiết kiệm thời gian. Đến lần bỏ phiếu thứ 2, nội dung trình Đại hội mới được thông qua, trong đó có nội dung làm việc của 2 tờ trình này.

Kỳ đại hội năm nay, vấn đề được đem ra mổ xẻ là con số 9 và 11. Một luồng ý kiến cho rằng Hội đồng Quản trị đương thời đã sai vì không bầu bổ sung thêm 2 thành viên Hội đồng Quản trị, thay vào đó lại đưa vấn đề có nên tăng số lượng thành viên từ 9 lên 11 vào kỳ đại hội mới, trong khi đây là Nghị quyết đã được thông qua từ Đại hội cổ đông bất thường vào tháng 12.2015. “Tại sao cổ đông phải bầu chọn lại điều mà mình đã chọn?”, một cổ đông đặt vấn đề.

Theo lý giải của ông Ngô Thanh Tùng, thành viên Hội đồng Quản trị đương nhiệm, dù đã có Nghị quyết Đại hội cổ đông nhưng Hội đồng Quản trị vẫn phải cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố để xem xét liệu quyết định đó có ảnh hưởng đến hoạt động của Eximbank hay không. “Hội đồng Quản trị có thể bị coi là sai nếu không thực thi và không xin ý kiến điều chỉnh của tất cả các cổ đông về một vấn đề đã được Đại hội cổ đông thông qua”, ông Tùng trình bày. Theo lý giải của ông Tùng, số lượng thành viên Hội đồng Quản trị chỉ 9 người là “đủ xài”. Trên thực tế, nhiều ngân hàng khác đang hoạt động tại Việt Nam, dù lớn hay nhỏ, đa số đều chỉ có 9 thành viên Hội đồng Quản trị.

“Tro choi vuong quyen” o Eximbank
Đại hội cổ đông lần thứ 2 của Eximbank lại thất bại một lần nữa - Ảnh: tuoitre.vn

Đây cũng là nguồn gốc mâu thuẫn gây nên áp lực cho các kỳ đại hội cổ đông gần đây của Eximbank. Các luồng thông tin từ 2 bên vẫn còn trái chiều nhau. Cũng cần lưu ý, có thể thấy người đứng ra giải quyết các vấn đề nhân sự hiện nay của Eximbank không phải là ông Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị mà là ông Tùng, thành viên Hội đồng Quản trị, người có lý lịch trích ngang là luật sư.

Về bản chất, một nhóm cổ đông lớn nắm giữ trên 10% cổ phần có quyền đề cử một đại diện làm thành viên Hội đồng Quản trị. Trong khi đó, thực tế cho thấy một vấn đề đã được Hội đồng Cổ đông quyết định nhưng Hội đồng Quản trị không thực hiện mà lại đề xuất giải pháp khác là chuyện xảy ra thường xuyên, phổ biến nhất là việc chia cổ tức. Một ví dụ là mới đây, một số ngân hàng đã giảm tỉ lệ cổ tức dù cổ đông đã thông qua mức cổ tức trước đó.

Nhìn từ góc độ khác, mặc dù các bên đưa vấn đề pháp lý ra tranh cãi nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra nhận định hay ý kiến nào. Khi được hỏi về thái độ từ phía cơ quan quản lý, ông Tùng đáp rằng đã gửi báo cáo sự việc và thư kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước.

Kịch bản nào?

Dù đã kéo dài 2 kỳ đại hội nhưng câu chuyện nhân sự ở Eximbank vẫn chưa ngã ngũ. Đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 4 không tổ chức được vì không đủ tỉ lệ cổ đông tham gia, còn đại hội kỳ này kết thúc bằng việc cổ đông không đồng ý niêm phong thùng phiếu để tổ chức chờ đại hội khác, đồng nghĩa với việc chưa có kết quả bầu chọn của cổ đông về các tờ trình. Như vậy, Eximbank sẽ phải tổ chức một đại hội cổ đông bất thường trong tương lai. Một câu hỏi đặt ra là kéo dài thời gian như vậy, ai sẽ được lợi? Và ai đang cần thời gian?

Hãy nhìn lại cơ cấu cổ đông ở Eximbank. Có thể thấy chiếc ghế nổi trội nằm ở nhóm cổ đông của Công ty Cổ phần Âu Lạc, bao gồm ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng, thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Âu Lạc; riêng bà Ngô Thu Thủy là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Âu Lạc, nay là cố vấn cho Hội đồng Quản trị của Eximbank. Nhóm này được chính thức bầu lên từ Đại hội cổ đông bất thường năm ngoái. Theo thông tin trên website, hoạt động chính của Âu Lạc là vận tải xăng dầu đường biển và đường thủy, với quy mô doanh thu 695 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 115 tỉ đồng vào năm 2015.

Ở phía còn lại, có thêm nhiều thông tin mới được tiết lộ. Nhóm cổ đông này được cho là từ bà Nguyễn Thị Xuân Loan, người liên quan trực tiếp đến những nhân vật đang sở hữu Ngân hàng Nam Á, ngân hàng được đồn đoán là có mục tiêu M&A với Eximbank trước đây. Chính vì vậy, đâu đó lại xuất hiện những thông tin về cuộc chơi của người Ngân hàng Nam Á tại Eximbank.

Một kịch bản khác không ngờ đến, nhưng cũng có khả năng xảy ra vì đã xảy ra trong quá khứ, đó là “tay chơi thứ 3”. Kết quả của thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank là việc Trầm Bê cuối cùng lại ủy quyền số cổ phần của mình cho Ngân hàng Nhà nước quản lý. Bài học cá lớn - cá nhỏ này cho thấy dường như Ngân hàng Nhà nước luôn là người nhảy vào sau cùng.

Có lẽ, sẽ chẳng có phân tích tài chính nào ở Eximbank nữa, thay vào đó là những vấn đề cần giải quyết giữa các nhóm cổ đông với nhau. Lá bài quyết định đang nằm trong tay các cổ đông nhỏ. Vài hôm trước Đại hội, đã xuất hiện thông tin bên này, bên kia mua phiếu bầu. Giá cổ phiếu Eximbank (đang bị cảnh báo) gần đây bắt đầu nhích dần lên kể từ Đại hội cổ đông thất bại hồi cuối tháng 4 vừa qua

Thiên Phong