Thứ Hai | 01/06/2015 13:00

Trịnh Thanh Cần và giấc mơ bay cao cùng ACBS

Ông Trịnh Thanh Cần đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đưa ACBS vào top 3 doanh nghiệp chứng khoán.

Công ty chứng khoán ACBS có một năm 2014 thành công khi lợi nhuận sau thuế tăng 146% so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi về mặt hiệu quả hoạt động. Tuy vậy, việc doanh thu thuần đi xuống liên tục trong 3 năm gần đây đã đặt ACBS trước thách thức duy trì vị thế trên thị trường. Công ty này cần một nhân tố mới trẻ trung để có thể khai phá hết được tiềm năng vốn có.

Mới đây, nhân tố tích cực đó đã được tìm thấy khi ACBS vừa bổ nhiệm ông Trịnh Thanh Cần, một người giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực tài chính, vào cương vị Tổng Giám đốc Công ty. NCĐT đã có buổi trao đổi với ông Cần về mục tiêu và thách thức của ACBS trong thời gian tới.

Vì sao đang giữ vị trí quan trọng tại một công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn thứ 2 thị trường, ông lại có quyết định đảm nhận trọng trách mới tại ACBS?

Đó là bởi vì cơ hội tôi nhìn thấy được từ ACBS. Ðây là một công ty có đủ những yếu tố để thành công trên thị trường chứng khoán như thương hiệu mạnh, mạng lưới khách hàng rộng lớn và hệ thống phân phối hiệu quả. Với tôi, ACBS như một kho tàng đầy hấp dẫn chưa được khai phá.

ACBS có thị phần môi giới đứng thứ 6 thị trường vào năm 2014. Vị trí này vẫn chưa xứng với tầm vóc Công ty. ACBS có cơ sở dữ liệu khách hàng rất quy mô mà chỉ có số ít công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường so sánh được. Sức mạnh tài chính cũng là lợi thế lớn, vì chúng tôi nhận được sự hậu thuẫn lớn từ công ty mẹ là Ngân hàng ACB. Vốn điều lệ của ACBS hiện lên tới 1.500 tỉ đồng. Tôi tin mình sẽ giúp ACBS phát huy được tiềm năng, giúp đưa Công ty vào một vị trí xứng đáng.

Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng Giám đốc ACBS - Ảnh: Bảo Trọng
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng Giám đốc ACBS - Ảnh: Bảo Trọng

Ông đã làm việc với nhiều định chế tài chính nổi tiếng ở Việt Nam. Những cơ duyên này đã đến thế nào?

Tôi học và làm việc tại Mỹ một khoảng thời gian, tích lũy được một số kinh nghiệm hữu ích. Năm 2003, trong chuyến thăm quê hương, tôi được gặp anh Don Lam là người sáng lập Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital. Nhờ đó, tôi đã tham gia VinaCapital ngay những ngày đầu Công ty thành lập và chịu trách nhiệm triển khai những khoản đầu tư đầu tiên.

Đến năm 2005, tôi được mời làm việc tại Ngân hàng HSBC với cương vị Giám đốc Quan hệ khách hàng, khi ngân hàng này cần tìm kiếm các khách hàng lớn là những doanh nghiệp, tổ chức tập đoàn nước ngoài cùng các định chế tài chính, quỹ đầu tư.

Sau đó, tôi có cơ hội tiếp xúc với người sáng lập Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt và được mời về phụ trách bộ phận đầu tư. Một năm sau, khi Công ty Chứng khoán Bản Việt được thành lập, tôi đảm nhận chức Giám đốc Nghiên cứu cũng như phụ trách phát triển khách hàng tổ chức và cá nhân. Sau đó, tôi chuyển sang Công ty Chứng khoán HSC, giữ chức Giám đốc Ðiều hành khối tài chính doanh nghiệp, phụ trách tư vấn thương vụ M&A và phát hành cổ phần cho các doanh nghiệp.

Trong quá trình làm việc, những thành công nào khiến ông cảm thấy hài lòng nhất?

Tôi đã làm việc trong lĩnh vực tài chính 15 năm. Nếu nói về thành công khiến tôi hài lòng nhất thì đó là vào đầu năm ngoái, khi tôi hoàn thành được giao dịch huy động vốn 21 triệu USD cho Tập đoàn Nam Long.

Tôi hài lòng vì giao dịch này thành công ngoài mong đợi. Trước đó, Nam Long đã làm việc với một công ty chứng khoán nước ngoài và một công ty chứng khoán trong nước nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Khi có cơ hội tiếp nhận hợp đồng tư vấn này, tôi đã làm việc chặt chẽ với Tổng Giám đốc của Nam Long, phân tích thấu đáo về thực tế tình hình thị trường và chọn chiến lược tiếp cận, thương lượng. Sau 6 tháng, chúng tôi đã hoàn tất được giao dịch huy động vốn với sự tham gia góp vốn của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như IFC, Bridger, Probus.

Ông đặt ra những mục tiêu nào cho ACBS và cách thức thực hiện sẽ ra sao?

Trong ngắn hạn, tôi đặt mục tiêu đưa ACBS vào tốp 3 công ty chứng khoán lớn trên thị trường. Để đạt được mục tiêu trên, tôi xác định cần phải cải thiện mọi lĩnh vực kinh doanh.

Đầu tiên, môi giới khách hàng cá nhân là mảng kinh doanh truyền thống và là thế mạnh của ACBS. Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển mạnh ở mảng này thông qua nâng cao chất lượng đội ngũ môi giới, phát triển sản phẩm mới, cải thiện chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh phối hợp với mạng lưới phân phối của Ngân hàng ACB.

Bên cạnh đó, mảng môi giới khách hàng tổ chức lâu nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức do tiềm năng thị trường chưa thật sự hấp dẫn trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi thị trường bước sang chu kỳ tăng trưởng mới vào năm 2016, thị trường cho mảng môi giới khách hàng tổ chức sẽ phát triển vượt bậc. Ðể đón đầu xu thế, ACBS sẽ tập trung xây dựng đội ngũ phân tích và môi giới chất lượng cao trong năm nay.

Một mảng kinh doanh tiềm năng khác là tư vấn doanh nghiệp. Ở đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng ACB để tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cũng như tư vấn thương vụ IPO của các doanh nghiệp tư tiềm năng.

 

Thế còn những mục tiêu dài hạn thì sao, thưa ông?

Chúng tôi sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống hoạt động của mình, từ môi giới cá nhân, môi giới tổ chức đến tư vấn. Kế đến, ACBS sẽ nghiên cứu đưa ra những sản phẩm mới hoàn toàn, mang lại lợi ích cho khách hàng cá nhân và tạo tên tuổi cho Công ty. Những sản phẩm đầu tư này sẽ được bán trong hệ thống phân phối dịch vụ ngân hàng ưu tiên của ACB, mang đến những quyền lợi đặc biệt cho khách hàng VIP.

Mục tiêu tham vọng đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh mẽ. Công ty sẽ chuẩn bị yếu tố này thế nào?

Mặc dù ACBS có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng điểm tôi chưa thật hài lòng là yếu tố con người. Trong 6 tháng cuối năm nay, tôi sẽ tập trung giải quyết bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Công ty, tăng cường hợp tác với ACB và tạo cơ chế thông thoáng hơn để kinh doanh.

Đối với mảng nghiên cứu phân tích, tôi sẽ trực tiếp tuyển và đưa những người giỏi nhất về nghiên cứu cho ACBS, đặc biệt là những người có khả năng làm việc hiệu quả với các nhà đầu tư nước ngoài với mức đãi ngộ hợp lý.

Để mang lại sự yên tâm cho khách hàng giao dịch, việc quản lý rủi ro phải được ưu tiên hàng đầu. ACBS đã làm gì để bảo vệ tài sản hiệu quả cho khách hàng và cho bản thân Công ty?

Chúng tôi có hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả, thừa hưởng từ hệ thống quản trị rủi ro rất mạnh của ngân hàng mẹ. Gần đây, Công ty cũng đầu tư hệ thống mới, trong đó yếu tố quản trị rủi ro trong giao dịch chứng khoán được chú trọng để giảm thiểu rủi ro. Hệ thống quản lý của ACBS cũng tách bạch tiền với chứng khoán, mang lại sự đảm bảo tuyệt đối cho khách hàng.

Ông nhìn thấy những thử thách nào cho mục tiêu tốp 3 của ACBS? Tiềm năng của thị trường thì sao?

Cạnh tranh trên thị trường chứng khoán là rất khốc liệt. Hiện vẫn còn 81 công ty chứng khoán hoạt động và các công ty nằm ngoài tốp 10 có doanh thu và lợi nhuận không đáng kể. Sự cạnh tranh gay gắt là một thách thức lớn đối với tất cả các công ty tham gia thị trường này. Ngoài ra, thanh khoản thị trường thấp và kém ổn định, thông tin kém minh bạch là những trở ngại lớn cho tất cả.

Về tiềm năng, tôi cho rằng những năm kế tiếp, thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn nhờ tăng trưởng kinh tế khả quan hơn; cũng như các hiệp định thương mại lớn được triển khai như Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Chính sách mở room cho khối ngoại cũng là một tín hiệu tốt.

Là một nhà điều hành trẻ, ông có cảm nhận áp lực lớn khi ngồi vào vị trí mới ở ACBS?

Tôi không cảm thấy áp lực lớn, mà lại là sự nhiệt huyết lớn, tinh thần máu lửa muốn khẳng định bản thân. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn non trẻ, có nhiều cơ hội cho những người tham gia như tôi. Với kinh nghiệm lâu năm và các mối quan hệ sâu sắc, tôi thấy rất tự tin khi quyết định ngồi vào chiếc ghế Tổng Giám đốc của ACBS.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Sơn Nguyễn