Triều cường dâng cao gây ngập lụt, vỡ đê ở Cần Thơ và Sóc Trăng
Các tuyến đường chính như đường 30 tháng 4, Đại lộ Hòa Bình, Lý Tự Trọng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thị Minh Khai ngập từ 20-40cm.
Ngập nặng nhất là khu vực Trung tâm thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều), có nơi nước ngập sâu khoảng nửa mét làm nhiều xe bị chết máy, nhiều phương tiện lưu thông trong khu vực này khá vất vả do nhiều tuyến đường bị nước nhấn chìm.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều, đặc biệt là các tuyến đường trước cổng khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy) bị ngập đúng vào giờ cao điểm, học sinh tan trường, công nhân tan ca nên đã xảy ra ùn ứ giao thông, nhiều học sinh, công nhân rất vất vả khi di chuyển trên đường ngập nước.
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 67 tuyến đường và khu vực dân cư thường xuyên ngập khi mưa lớn và khi triều cường dâng cao, trong đó có năm khu vực trên địa bàn quận Ninh Kiều đang được xử lý chống ngập gồm tuyến đường Hòa Bình, giao lộ 3 Tháng 2-Nguyễn Văn Linh, vòng xoay Mậu Thân (giao giữa đường Mậu Thân và Võ Văn Kiệt), Trung tâm thương mại Cái Khế và đường Hai Bà Trưng.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo hiện mực nước sông Cửu Long đang dao động ở mức đỉnh. Mực nước cao nhất ngày 9/10, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,94m. Mực nước cao nhất sáng 10/10 đo được trên sông Hậu tại Long Xuyên là 2,41m, dưới báo động 3 là 0,09m, tại Cần Thơ mực nước cao nhất là 2,08m, trên báo động 3 là 0,18m.
Dự báo ngày mai (11/10), mực nước sông Cửu Long tiếp tục dao động ở mức đỉnh, sau đó xuống theo triều.
Đến ngày 14/10, mực nước cao nhất ngày tại Châu Đốc, An Giang xuống mức 2,7m, tại các trạm vùng hạ nguồn xuống dưới mức báo động 1.
Vì vậy, để ứng phó với triều cường dâng cao trong vài ngày tới người dân cần chủ động ứng phó với đợt triều cường này để ổn định cuộc sống và tránh tổn thất cho sản xuất nông nghiệp.
Cũng trong mấy ngày qua, do ảnh hưởng của triều cường đã làm 43 đoạn đê bao ở huyện Cù lao Dung (Sóc Trăng) bị vỡ, với tổng chiều dài trên 150m.
Triều cường còn làm ngập đoạn đê bao tả hữu cù lao với chiều dài hơn 40m, làm tràn ngập hàng trăm đoạn đường liên xã và ảnh hưởng nhiều diện tích hoa màu, mía của bà con tại các xã Đại Ân 1, An Thạnh 3 và An Thạnh Nam...
Chính quyền các địa phương đã huy động các lực lượng, điều cả máy cơ giới để tích cực khắc phục, hàn gắn các đoạn đê bao bị vỡ, cơi nới các đoạn bị tràn ngập.
Tính đến chiều 10/10, đã khắc phục được 36 đoạn đê bao bị vỡ và đang khắc phục những đoạn đê bị vỡ nặng khác.
Theo ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cù Lao Dung, nhờ huyện đã có phương án phòng chống lụt bão và chỉ đạo các địa phương tập trung ứng trực, kịp thời đối phó trong mùa mưa lũ, triều cường nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và của.
Huyện cũng đã có kế hoạch duy tu, gia cố những đoạn đê bao, công trình xung yếu, đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là khẩn trương huy động nguồn lực, gia cố, khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ" nên đến nay việc khắc phục đã cơ bản hoàn thành.
Theo dự báo, con nước tối 10/10 sẽ còn dâng cao có thể tiếp tục gây ảnh hưởng cho nhiều đoạn đê bao xung yếu nữa tại huyện cù lao giữa dòng sông Hậu này.