Lĩnh vực xây dựng được dự báo có tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Ảnh minh họa: Quý Hòa.

 
Khánh An Thứ Năm | 14/01/2021 11:40

Triển vọng xán lạn của kinh tế Việt Nam năm 2021

Kinh tế Việt Nam được dự báo hồi phục tích cực trong năm 2021, trong đó ngành công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, GDP Việt Nam tăng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021 với tăng trưởng được lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực. Nền tảng vĩ mô tiếp tục được củng cố với thặng dư cán cân vãng lai, thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng trong khi áp lực lạm phát có xu hướng giảm. Các yếu tố này sẽ củng cố nền tảng vĩ mô trong nước và tạo ra bước đệm giúp Việt Nam có thể đối mặt với các rủi ro từ bên ngoài cũng như hỗ trợ cho việc duy trì ổn định tỷ giá hối đoái.

 

VNDirect kỳ vọng nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và đẩy lùi nhờ vaccine. Hiện nay, có rất nhiều loại vaccine đang được phát triển trên thế giới và dự kiến sản xuất thương mại từ đầu năm 2021.

Theo đó, VNDirect kỳ vọng rằng việc tiêm chủng vaccine sẽ giúp đẩy lùi COVID-19 trên toàn cầu, từ đó tạo tiền đề cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới từ năm tới. Cụ thể, sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU, sẽ giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của COVID-19 cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong hai động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam trong năm 2021, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.

 “Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 7,1% so với cùng kỳ, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,1% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,8% so với cùng kỳ và ngành dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ”, VNDirect dự báo.

Ngành công nghiệp và xây dựng được dự báo có tốc độ trăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Việc mở cửa các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm như máy tính, điện thoại, máy móc và thiết bị.

Nguồn: VNDirect.
Nguồn: VNDirect.

Trong năm vừa qua, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kích hoạt làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia mới nổi khác. Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu kể từ cuối năm 2019 đến nay càng chứng tỏ tính cấp thiết và thúc đẩy xu hướng trên. Ngày càng có nhiều Chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới nhận thức được mức độ rủi ro nghiêm trọng của việc phụ thuộc chuỗi cung ứng của họ vào chỉ một quốc gia, một thị trường chủ chốt.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang dần đánh mất hình ảnh và sự ưu tiên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang nổi lên là một trong những lựa chọn thay thế lý tưởng nhờ lợi thế lớn về mặt địa lý khi Việt Nam nằm gần chuỗi sản xuất đặt tại miền Nam Trung Quốc.

Hơn thế nữa, trong 11 tháng đối phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới thấy được năng lực đối phó với khủng hoảng và các sự kiện bất ngờ (black swan) một cách ấn tượng khi vừa ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, vừa đảm bảo sức khỏe của người dân và đồng thời duy trì được chuỗi sản xuất hoạt động liên tục. Điều đó càng thu hút và thúc đẩy các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có ý định đặt nhà máy tại Việt Nam khi dịch COVID-19 qua đi.

VNDirect kỳ vọng lĩnh vực xây dựng sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các khoản đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với đại dịch COVID-19 và các công ty tư nhân dự kiến sẽ tham gia nhiều hơn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đoạn phía Đông đường cao tốc Bắc Nam và sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1).

* Có thể bạn quan tâm 

►Dệt may đi qua một năm biến động như thế nào?