Ảnh: tbv
Triển vọng thương mại của Việt Nam trong thời gian tới ra sao?
Bất chấp sự suy yếu hiện tại, Rồng Việt (VDSC: HoSE: VDS) vẫn lạc quan về triển vọng thương mại của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
VDSC đánh giá những cơ hội vẫn “có sức nặng” hơn so với các thách thức. Về cơ hội, Việt Nam, điểm giao thoa giữa hai chiến lược “Trung Quốc +1” và “Làn gió phương Nam” của Hàn Quốc, đang đứng trước thời cơ “thập kỷ có một” để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham khảo thêm tại đây. Sự dịch chuyển sản xuất và đơn hàng xuất khẩu tại một số ngành nghề nhất định từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Ảnh: VDSC. |
Ảnh: VDSC. |
Hơn thế nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội ký kết hiệp định thương mại tự do với Châu Âu (EVFTA) (*), thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và GDP của Việt Nam tăng thêm 2,2-3,3% giai đoạn 2019-2023. Các hiệp định thương mại mới ký kết, CPTPP và EVFTA, sẽ tiếp tục mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tại các thị trường khá mới mẻ.
Ngoài ra, VDSC cũng đề cập tới những cơ hội xuất khẩu ngắn hạn trong khu vực như nhu cầu nhập khẩu sắt thép từ Campuchia hay gạo từ Phillippines. Trong năm 2018, việc Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo do ảnh hưởng từ bão lũ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lên trên 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, cho đến khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ cần giải pháp của riêng mình với những thách thức lớn gồm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và xu hướng “khu vực hóa” trong chuỗi giá trị toàn cầu. IMF, WB hay ADB đều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm tốc trong năm 2019. Động lực tăng trưởng chính trong các năm qua, Trung Quốc, suy yếu và đang chật vật giữ mức tăng trưởng trên 6%/năm. Điều này đang được phản ánh trực tiếp dựa trên số liệu tăng trưởng thương mại âm của các trung tâm sản xuất lớn như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ảnh: VDSC |
Bên cạnh đó, xu hướng khu vực hóa ngày càng gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị giao dịch thương mại nội khu đã tăng 2,7% kể từ năm 2013, đặc biệt tại Châu Á và EU-28. Các doanh nghiệp yêu cầu nhà cung cấp giao hàng phù hợp thời gian sản xuất. Theo McKinsey, việc sản xuất hàng may mặc ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico để cung cấp cho thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ tới.
(*) Để EVFTA có hiệu lực thì cần Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu ký. Hiện tại, mới chỉ có Ủy ban Châu Âu ký phê chuẩn EVFTA.