Thứ Ba | 22/04/2014 07:00

Triển vọng nào cho IPO của doanh nghiệp Nhà nước?

Những vụ IPO mới đây của DNNN không nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, làm dấy lên lo ngại về hàng trăm vụ IPO sắp tới.
Tờ Wall Street Journal trích số liệu cho biết, chỉ có 1/4 trong số 304,5 triệu cổ phiếu của 13 công ty tiến hành IPO trong tháng 1 được mua. Các nhà đầu tư ngoại chỉ hứng thú với cổ phiếu của Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Viglacera. Trong khi đó chỉ có một vài công ty bán được cổ phiếu ở mức giá cao hơn mức chào bán tối thiểu (10.000 VNĐ).

Điều này được xem là đáng lo ngại trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang dần có sức hút hơn đối với cả nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư trong nước. Trong năm nay, chỉ số VN-Index đã tăng 14% lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và là chỉ số tăng trưởng tốt nhất năm 2014 này tại khu vực châu Á.

Kinh tế Việt Nam đang tiến về phía trước trong bối cảnh Chính phủ rất quyết tâm thúc đẩy cải cách. Năm 2013 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,4%.

Các nhà quản lý quỹ trong nước cho biết nhiều doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO lần này chủ yếu là do áp lực từ phía Chính phủ không muốn tiếp tục trễ hẹn trong việc tiến hành cổ phần hóa DNNN (đã gia hạn nhiều lần).

Tuy nhiên chưa có cổ phiếu nào được giao dịch trên 2 sàn chứng khoán của Việt Nam bởi lẽ tại Việt Nam, ngày tiến hành IPO và ngày đầu tiên giao dịch thường cách nhau vài tháng.

Ông Kevin Snowball – CEO của công ty quản lý tài sản PXP Asset Management – quản lý hơn 140 triệu USD trên toàn lãnh thổ Việt Nam cho biết: “Dường như năm 2014 vốn được mệnh danh là năm của IPO này không được chào đón cho lắm. Điều này do sự kết hợp của các yếu tố như định giá không đúng, thiếu hụt thông tin và thông tin nếu có thì quá nghèo nàn cũng như sự hờ hững của các DNNN trong việc quảng bá IPO”.

Ông Snowball thậm chí còn cho rằng các DNNN có kế hoạch IPO lần này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và công trình đã “được” các bộ chủ quản yêu cầu tiến hành niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Điều này đi ngược lại với mong muốn của các DNNN này và đương nhiên là họ không cố gắng để thực hiện.

Ông nêu ví dụ, có 1 công ty mời PXP tham gia buổi giới thiệu chào bán IPO lần này nhưng cho biết công ty này sẽ không tổ chức buổi giới thiệu ở thành phố Hồ Chí Minh – nơi PXP đặt trụ sở chính – mà mời lãnh đạo của PXP tới văn phòng tại Hà Nội.

Sự khôi hài này là minh chứng rõ nét cho sự phân chia giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân ở việt Nam. Trung tâm kinh doanh của Việt Nam là ở TPHCM trong khi nơi đặt trụ sở của nhiều DNNN lại ở Hà Nội.

Ông Michel Tosto – trưởng bộ phận môi giới của Công ty chứng khoán Bản Việt cho biết: “các DNNN gần như không nỗ lực để quảng bá đợt IPO lần này. Đợt niêm yết năm nay chủ yếu là do các quan chức Chính phủ lo ngại về việc hoàn thành mục tiêu vào năm 2015 hoặc họ sợ rằng nếu tiến hành IPO sau thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cạn tiền.

Ông này cũng cho biết công tác quản trị cũng như tính minh bạch của báo cáo tài chính của các DNNN này còn yếu.

Ông Tosto cho biết xu hướng của các công ty là định giá cao hơn thực chất bởi lẽ các quan chức điều hành DNNN không muốn mang tiếng là bán cổ phiếu với giá rẻ quá. Hơn thế nữa, các thông tin liên quan đến IPO chủ yếu dưới dạng tiếng Việt – gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài muốn tham dự.

Các khó khăn, phức tạp khác khiến nhà đầu tư quay lưng với đợt IPO lần này có thể kể đến: “tiếng tăm lừng lẫy” của khu vực DNNN về vấn đề nợ xấu, vỡ nợ và đa dạng hóa quá mức. Chẳng hạn như trong năm 2010, Vinashin tuyên bố không có khả năng trả khoản nợ 600 triệu USD vay nước ngoài sau khi đã “lấn sân” sang các lĩnh vực khác như du lịch, nghỉ dưỡng và nấu bia.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh chiến dịch cải cách DNNN bằng việc bán cổ phiếu ra công chúng của hơn 400 DNNN với hạn cuối cùng là 2015.

Nhiều nhà đầu tư trong nước đã lên tiếng cảnh báo rằng có nhiều DNNN chưa sẵn sàng để lên sàn nhưng sẽ bị ép buộc lên sàn. Ông Vương Quân Hoàng – kinh tế gia của hãng Nghiên cứu & Tư vấn DHVP cho biết: “Việc tiến hành IPO của các DNNN sẽ gặp nhiều khó khăn bởi lẽ một bộ phận các nhà quản lý DNNN không phải là doanh nhân. Họ là những người nắm giữ các vị trí được bổ nhiệm dựa trên ý chí chính trị và do đó, thiếu tầm nhìn để lãnh đạo công ty trong nền kinh tế thị trường”.

Tuy nhiên cũng có vài dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang háo hức chờ đợi các đợt IPO lớn sắp tới. Công ty chứng khoán Bản Việt cho biết Vietnam Airlines đã lên kế hoạch cổ phần hóa từ năm 2006 và dự kiến sẽ bán 25-30% cổ phần của mình đồng thời dự báo rằng lần cổ phần hóa này của Vietnam Airlines sẽ quyết tâm hơn. Tổng công ty cụm cảng hàng không cũng là một thương vụ tiềm năng khác.

Nguồn Gafin/WSJ/DVO


Sự kiện