Thứ Sáu | 28/09/2012 21:14

Triển vọng kinh tế cuối 2012 và 2013 còn rất khó khăn

Những khó khăn trước mắt sẽ kéo dài đến 2013 và hoạt động xuất khẩu còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn từ quốc tế.
Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia Kinh tế tại Hội thảo “Nghị quyết 13/NQ-CP, cơ hội tháo gỡ nút thắt xuất khẩu 2012 và triển vọng 2013" diễn ra ngày 28/9, tại Hà Nội.

Tham gia Hội thảo, các chuyên gia có chung cái nhìn về triển vọng kinh tế ở cuối năm 2012 và 2013 còn rất khó khăn và vẫn chưa tạo được niềm tin cho thị trường về triển vọng một nền kinh tế ổn định.

Theo đó, các loại thị trường (bất động sản, bán lẻ, chứng khoán...) trong nền kinh tế đều chưa thế khởi sắc, bởi đầu tư không có động lực tăng trưởng do sức mua vẫn giữ mức tăng chậm; trong đó thị trường bất động sản cũng chưa thể bắt đầu hồi phục cũng như thị trường chứng khoán chưa thể lấy lại được niềm tin.

Ngoài ra, triển vọng kinh thế giới cũng còn khá u ám, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự váo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 3,9%.

Khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ lên tới đỉnh điểm vào nửa đầu năm 2013 và sẽ có phần sáng sủa hơn từ nửa cuối 2013, nhưng với một số nước lại dường như xấu đi rõ rệt nếu không kịp thời tiến hành những giải pháp và phương án chủ động ứng phó hữu hiệu với nguy cơ này.

Do đó, ông Phong cho rằng sang năm 2013, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp tục chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động dịch chuyển dòng vốn quốc tế cả trực tiếp và gián tiếp, các hoạt động mua bán và sáp nhập quốc tế cũng như các hoạt động đàm phán song phương trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương.

Nhằm tháo nút thắt cho doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và nền sản xuất trong nước nói chung, ông Nguyễn Xuân Sơn-Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa Tổng cục thuế cho biết, các biện pháp hỗ trợ từ Bộ Tài chính sẽ hướng vào tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ…đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả.

Thêm vào đó, Bộ sẽ thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xóa bỏ rào cản đầu tư bất hợp lý… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư vào các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài.

“Về hoạt động cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất kinh doanh và đầu tư, ngành sẽ chú trọng về lĩnh vực thuế và hải quan, cụ thể sẽ rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường khai thuế điện tử, triển khai nộp thế qua hệ thống ngân hàng, tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và phấn đấu giảm 10% - 15% chi phí tuân thủ cho người nộp thuế,” ông Sơn nói.

Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế cùng không thuận lợi như vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động thích nghi và nếu muốn “cất cánh bay cùng đại bàng” thì phải nâng cao năng lực dự báo trước những biến động trong tương lai.

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện