Triển khai mô hình cánh đồng liên kết
Trước mắt, mỗi doanh nghiệp triển khai 1 - 2 mô hình tại những nơi có các hợp tác xã hay tổ, đội và mỗi cánh đồng chỉ 1 hay tối đa 2 giống khi trồng với diện tích bình quân 400 - 500ha/mô hình, thiếu 100 - 200ha/mô hình. Cần gắn kết với chính quyền địa phương (huyện, xã) và lập ra ban chỉ đạo như cách làm của Công ty Lương thực Long An để triển khai, giám sát, hướng dẫn và xử lý trong quá trình thực hiện cũng như gắn với ngân hàng trong việc ưu tiên cho vay vốn các xã viên hợp tác xã trong mô hình. Doanh nghiệp cung ứng đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được khuyến khích cùng tham gia vào chuỗi để người dân được mua với giá thấp nhất có thể. Ngoài ra, tổ chức, sắp xếp lại các thương lái, khâu vận chuyển...
Cho đến nay mới có 13 doanh nghiệp trong tổng số 150 đầu mối xuất khẩu thực hiện liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. Qua thực tế liên kết, VFA đánh giá đây là mô hình nếu làm tốt sẽ mang lại lợi ích hài hoà cho cả nông dân, doanh nghiệp, ngoài ra còn huy động nguồn lực tổng hợp thông qua việc gắn kết doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, đầu mối cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ngân hàng để hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Các mô hình liên kết có thể là doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn như cách làm của công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang, hay liên kết với chủ thể thứ hai là hợp tác xã, tổ hợp tác như công ty xuất nhập khẩu Thu Hà hoặc liên kết nhiều chủ thể với nhau như doanh nghiệp, nông dân và công ty cung ứng vật tư, ngân hàng, nhà máy xay xát của Angimex, Docimexco, Gentraco…
Nội dung quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo mà bộ Công thương vừa công bố quy định điều kiện cần để tham gia xuất khẩu là doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu hoặc liên kết với các chủ thể khác tạo ra vùng nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định này không là mệnh lệnh hành chính mà là đòi hỏi của thị trường. Bản thân các doanh nghiệp buộc phải tham gia vào sản xuất mới có thể tồn tại được.
Nguồn SGGP, SGTT