Triển khai Đề án phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình nhấn mạnh, trong hơn 20 năm qua, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy hoạt động ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn, bền vững. Những kết quả mà CIC đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2009 đến nay, đã góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành của NHNN, là kênh thông tin tin cậy cho các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh an toàn, hiệu quả. Đồng thời, hoạt động thông tin tín dụng còn giúp nâng cao tính minh bạch, khách quan trong tiếp cận tín dụng của khách hàng vay. Để khẳng định vai trò quan trọng của mình trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, cần xây dựng và phát triển CIC lên tầm cao mới.
Chính vì vậy, ngày 26/5/2014, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đến năm 2015, hướng tới năm 2020”. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của NHNN trong việc hỗ trợ phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam thành một Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia hiện đại, phù hợp với yêu cầu xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng hiện đại, gắn quá trình phát triển của CIC với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, hỗ trợ TCTD trong hoạt động quản lý rủi ro và đảm bảo tiếp cận tín dụng công bằng của khách hàng vay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được các mục tiêu và tiêu chí quan trọng đã đề ra trong Đề án, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình yêu cầu các đơn vị có liên quan thuộc NHNN, chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với CIC triển khai thực hiện tốt các yêu cầu, cung cấp thông tin đầy đủ để CIC tích hợp vào cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia vì lợi ích chung của toàn Ngành; Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần thực hiện báo cáo đầy đủ, đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng dữ liệu theo quy định; CIC phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp được thông tin từ các TCTD, các cơ quan quản lý dữ liệu, kể cả trực tiếp từ khách hàng vay. Trên cơ sở đó, có thể tạo lập các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao; CIC cần xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Đề án.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Hoàng Phong – Tổng Giám đốc CIC đã trình bày tóm tắt nội dung Đề án phát triển CIC. Theo đó, cơ sở hình thành Đề án xuất phát từ yêu cầu khách quan trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin đa dạng của NHNN và các đơn vị sử dụng. Đồng thời xuất phát từ yêu cầu của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đó là thúc đẩy quá trình minh bạch thông tin trong hoạt động ngân hàng; nâng cao chất lượng của hệ thống thanh tra giám sát; thiết lập được hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng của NHNN và các TCTD; nâng cao chất lượng hoạt động cấp tín dụng và áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư.
Mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2014-2015 là nâng tầm quy mô tổ chức và hoạt động của CIC; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia thống nhất, đầy đủ, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; là nguồn dữ liệu thông tin tín dụng chủ yếu, tin cậy để cung cấp đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho NHNN, TCTD, tổ chức khác và cá nhân. Hướng đến năm 2020, tiếp tục phát triển toàn diện CIC trên nền tảng phát triển giai đoạn 2014-2015.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, thống nhất; xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ để phát hiện, xử lý sớm rủi ro và đảm bảo hoạt động hiệu quả; tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 43. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra các giải pháp, đề xuất, kiến nghị để triển khai Đề án phát triển CIC trong thời gian tới.
Ông Đỗ Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ tài chính cho biết, quá trình triển khai Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) đã khẳng định CIC có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin nhằm phòng ngừa rủi ro tín dụng, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng - tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Ông bày tỏ mong muốn tăng cường nâng cao hơn nữa cơ chế phối hợp thu thập và chia sẻ thông tin giữa NHNN với các đơn vị trong và ngoài ngành, chia sẻ thông tin và chuẩn mực thông lệ quốc tế về lĩnh vực giám sát an toàn vĩ mô trong hệ thống tài chính.
Ông Hà Tôn Trung Hạnh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) cho biết, ngân hàng rất chú trọng vấn đề quản trị rủi ro, sự phát triển của CIC đã cung cấp cho ngân hàng những thông tin trong quá trình thẩm định, xét duyệt cũng như thẩm tra hoạt động của khách hàng vay. Tại Hội nghị này, Sacombank quan tâm đến nhóm khách hàng có liên quan, trong quá trình cấp tín dụng của các TCTD, ngoài các chỉ tiêu về dư nợ của khách hàng thì các chỉ tiêu các TCTD phải chấp hành là nhóm khách hàng có liên quan, khi Sacombank cho vay sẽ phải tìm hiểu, thu thập các thông tin về nhóm các khách hàng có liên quan.
Hội nghị đã biểu dương 20 TCTD chấp hành tốt hoạt động thông tin tín dụng; 06 TCTD chấp hành tốt nhất báo cáo năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014.
Nguồn SBV