Thứ Hai | 18/05/2015 19:24

Trích lập dự phòng thận trọng, ít ngân hàng lãi lớn

Khá ít ngân hàng có lãi lớn do chính sách trích lập dự phòng thận trọng và chủ động.

Top đầu ít thay đổi

Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đạt được mức doanh thu và lợi nhuận tương đối cao. Cụ thể, theo kết quả kinh doanh quý I/2015 của VietinBank vừa công bố, các chỉ số như tổng tài sản, tổng nguồn vốn, dư nợ tín dụng và lợi nhuận đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng là 551 ngàn tỷ đồng, tăng 27%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.564 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2014 trong khi tỷ lệ nợ xấu là 1,5%, ở mức đảm bảo an toàn.

Trước đó, BIDV đã báo lãi trước thuế 1.835 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm nay. Mức lãi này đã tăng 2% so với cùng kỳ và hoàn thành 24,5% kế hoạch.

Vietcombank sau khi trích lập dự phòng rủi ro 1.517 tỷ đồng, còn lãi trước thuế 1.456 tỷ đồng. So với cùng kỳ, mức lợi nhuận của ngân hàng này giảm gần 3%. 

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, ngân hàng này có tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%, tiền gửi khách hàng tăng 3,34%, tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 0,67% so với cuối năm 2014, lên mức 2,97%.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, lợi nhuận ở mức khiêm tốt hơn nhiều, nhưng nhiều ngân hàng đã bắt đầu có lãi.

Trong quý đầu năm, Techcombank có tổng thu nhập tính đạt 2.627 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận lũy kế trước thuế đạt 408 tỷ đồng, đạt 20,4% mục tiêu lợi nhuận năm 2015. Con số khá khiêm tốn này được giải thích là do chính sách trích lập dự phòng thận trọng và chủ động của ngân hàng.

Trong khi đó, TPBank cho biết lợi nhuận lũy kế đến 31/3 đạt 134 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, huy động vốn của TPBank tăng gần 11% so với đầu năm và tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý I, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này lên tới 61% so với cùng kỳ 2014.

Một ngân hàng khác có lợi nhuận trước thuế khá cao là VPBank đạt 403 tỷ đồng, gấp đôi kết quả cùng kỳ năm trước. Hết quý I, tổng tài sản của VPBank đạt mức 164.641 tỷ đồng, tăng 0,85% so với cuối năm 2014; cho vay khách hàng đạt 84.991 tỷ đồng, tăng 8,4% và tiền gửi khách hàng đạt 111.690 tỷ đồng, tăng 3,07%. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 2,54% cuối năm 2014 xuống còn 2,17% vào cuối quý I/2015.

Muốn lợi nhuận tăng phải giải quyết nợ xấu

Theo đánh giá của các chuyên gia, do kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi trong năm 2014 và quý I/2015, nên các ngân hàng đã bắt đầu có những khởi sắc nhất định, dù còn nhiều khó khăn trong đó có vấn đề nợ xấu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN): Tính đến ngày 17/4, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua 13.708 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 13.408 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay, công ty này đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng.

"Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng nói riêng, hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế nói chung", Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khái quát.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đến ngày 30/6/2015 sẽ xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm. Trong đó, chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho công ty này trong cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành Ngân hàng phấn đấu nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm.

Hiện tại, các ngân hàng phải chịu áp lực khi thực hiện chính sách trích lập dự phòng thận trọng và chủ động. Trong đó, các ngân hàng phải thực hiện đầy đủ quy định phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN và 09/2014/TT-NHNN của NHNN.

Dù các ngân hàng đã tích cực bán nợ xấu cho VAMC, song việc phải trích lập dự phòng 20%/năm cho các trái phiếu do VAMC phát hành là áp lực khá lớn cho các ngân hàng. Việc trích lập dự phòng rủi ro lớn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trước mắt của các ngân hàng.

Do đó, để duy trì được mức lãi từ nay tới cuối năm, các ngân hàng phải phát triển hệ thống quản lý, quản trị rủi ro vững chắc. Đồng thời phải kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng tài sản, đổi mới các sản phẩm dịch vụ và chú trọng chất lượng tăng trưởng.

Nguồn Chính phủ