Trì hoãn Thông tư 02: Tốt hay xấu cho hệ thống ngân hàng?
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm ra đời, Thông tư 02 tiếp tục được NHNN sửa đổi bổ sung bằng Thông tư 09 ban hành ngày 18/3, với nội dung chủ yếu là lùi thời hạn hiệu lực của nhiều quy định, bổ sung quy định trích lập dự phòng trong trường hợp bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Theo Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mục tiêu chính của Thông tư 09 này là để tránh gây sốc với thị trường và có tác động hai mặt tới hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trong ngắn hạn, việc điều chỉnh thời hạn hiệu lực của các quy định sẽ có tác động tích cực tới lợi nhuận của các ngân hàng. BVSC cho rằng, động thái này sẽ làm giảm và trì hoãn áp lực về nợ xấu đối với các ngân hàng, qua đó, giúp các TCTD có thêm thời gian để điều chỉnh hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của mình theo hướng áp dụng từng bước các quy định trong thông tư 02 trước đây, đồng thời tránh được cú sốc về nợ xấu tăng đột biến và lợi nhuận kế toán sụt giảm mạnh.
BVSC chỉ ra, trong năm 2013, các ngân hàng đã tăng dần trích lập dự phòng, nâng dần tỷ lệ Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng/Tổng dư nợ để cải thiện nguồn tiền để đối phó và xử lý nợ xấu sau này. Đồng thời, tích cực sử dụng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu và bán nợ xấu cho VAMC.
Tính đến cuối năm 2013, đã có 20 ngân hàng bán nợ cho VAMC, trong đó bao gồm Agribank, MBB, STB, SHB,... với tổng giá trị nợ gốc là 38.900 tỷ đồng. Theo BVSC, lợi nhuận trước thuế các ngân hàng giảm 29% so với cùng kỳ trong quý I/2013. Tuy nhiên khả quan hơn trong quý II và III/2013 sau khi Thông tư 02 được lùi thời hạn áp dụng lần 1 và tiếp tục giảm 10% trong quý IV/2013.
Tuy nhiên, khi xét trong dài hạn, BVSC cho rằng điều chỉnh của Thông tư 09 có thể làm chậm tiến trình tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng vốn phụ thuộc rất nhiều vào hai giải pháp chính là hoạt động của VAMC và thực thi Thông tư 02.
Theo BVSC, VAMC chỉ có tác dụng "trì hoãn" các khoản nợ xấu cho đến khi nền kinh tế "hồng hào" trở lại hơn là tác động thực sự đến thực trạng hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động của VAMC phụ thuộc rất lớn và việc xác định được chính xác và đầy đủ con số nợ xấu, từ đó đưa ra kế hoạch và lộ trình mua lại các khoản nợ xấu từ TCTD và có phương án phát hành trái phiếu đặc biệt dựa trên việc phân bổ trái phiếu đó theo thời điểm trong năm và theo các TCTD.
BVSC cho rằng, khi các ngân hàng được trì hoãn việc cơ cấu nợ, giấu nợ xấu lâu hơn thì sức ép bán nợ cho VAMC cũng giảm. Do đó, VAMC sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào báo cáo từ Thanh tra NHNN và các TCTD mới đưa ra được kế hoạch và phương án phát hành trái phiếu của mình.
Thông tư 02 ra đời với kỳ vọng sẽ dần cải tổ những bất cập trong hệ thống ngân hàng, giúp hệ thống tăng trưởng an toàn và bền vững hơn. Chính vì vậy, BVSC cho rằng việc điều chỉnh dự kiến của Thông tư 02 sẽ đẩy lùi tiến độ của quá trình tái cơ cấu các TCTD cũng như việc tiếp cận với những chuẩn mực của Basel II và Basel III mà NHNN đang theo đuổi.
Niềm tin của thị trường với chính sách điều hành cũng có thể bị tổn thương khi Thông tư 02 tiếp tục bị trì hoãn sang năm 2015, BVSC nhấn mạnh.
Nguồn Dân Việt/BVSC