Thứ Hai | 23/04/2012 12:07

Treo 5.000 tỉ đồng lỗ từ kinh doanh xăng dầu, xử lý thế nào?

Từ khoản lỗ trên, các doanh nghiệp giảm hoa hồng đại lý, hệ thống bán lẻ bị xáo trộn. Giá bán lẻ xăng dầu ngày càng xa cách với giá thế giới.
Khoản lỗ kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối đến nay đã lũy kế hơn 5.000 tỉ đồng mà chưa có hướng xử lý. Nguyên nhân, theo bộ Công thương nêu trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, là do việc "hoãn" thực hiện Nghị định 84/NĐ-CP về cơ chế kinh doanh xăng dầu theo thị trường.

Điều này đã gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp khi mà vốn chủ sở hữu đã ít lại thêm bị áp lực do khoản vay tín dụng ngày một tăng - theo bộ Công thương - đơn cử như, năm 2010, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp xăng dầu chỉ có 9.000 tỉ đồng thì vốn vay tín dụng đã vào khoảng 17.000 tỉ đồng, tương đương 189% vốn chủ sở hữu.

Năm 2011, vốn chủ sở hữu chỉ có khoảng 14.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp xăng dầu vay gần 27.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tới 193% vốn chủ sở hữu. Nhưng chính vì lỗ nên các doanh nghiệp ngành này càng thêm gặp khó khi vay tín dụng ngân hàng cho mảng kinh doanh xăng dầu, hoặc trong việc nhận tín dụng mua xăng dầu của đối tác nước ngoài, kéo theo ảnh hưởng việc duy trì ổn định hệ thống phân phối.

Bộ Công Thương phân tích: chính vì lỗ nên các doanh nghiệp xăng dầu phải giảm chiết khấu hoa hồng cho các đại lý, tổng đại lý xuống quá thấp. Hệ lụy sau đó là hệ thống phân phối bị xáo trộn, không ổn định. Một số yếu tố cấu thành giá cơ sở đã trở nên lạc hậu, như chi phí định mức được tính toán theo các yếu tố đầu vào từ năm 2009 nay đã tăng lên đáng kể, thêm vào đó là chi phí tiền lương, nguyên vật liệu, tài chính… Do vậy, giá bán lẻ xăng dầu ngày càng xa cách với giá thế giới.

Bộ Công thương cho rằng việc điều hành kinh doanh xăng dầu chưa vận hành đầy đủ theo quy định của Nghị định 84, đặc biệt là nội dung điều hành giá xăng dầu, nên chưa đủ căn cứ để đánh giá toàn diện về Nghị định 84. Theo bộ này, điều hành giá xăng dầu sẽ có ảnh hưởng lớn, mang tính quyết định tới các nội dung điều hành khác như hệ thống phân phối, dự trữ lưu thông, chống xuất lậu, chất lượng… nên cần có thời gian để hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo đúng Nghị định 84 thì mới có thể đánh giá được.

Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng nhất quán điều hành kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là giá theo Nghị định 84, tức theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Sau đó, mới tính chuyện sửa đổi Nghị định. Bộ Công thương còn đề nghị bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các yếu tố hình thành giá, chi phí kinh doanh, cơ chế vận hành quỹ bình ổn, cơ chế xử lý khoản lỗ tồn đọng do doanh nghiệp bình ổn. Bộ Khoa học và công nghệ cần bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu để tăng cường giám sát chất lượng mặt hàng này trên thị trường.

Nguồn SGTT


Sự kiện