Trên 70% cơ sở sản xuất cả nước chưa có đăng ký kinh doanh hộ cá thể
Cũng theo kết quả điều tra về hộ kinh doanh cá thể, lý do chính của việc đa phần các cơ sở sản xuất chưa có đăng ký kinh doanh là bởi chủ của những cơ sở như thế này không có thông tin về quy định thủ tục làm đăng ký, với tỷ lệ là 54%. 4% các chủ cơ sở sản xuất này cho rằng làm đăng ký kinh doanh là rất khó khăn do tâm lý e ngại thủ tục phiền hà khi giao dịch với các cơ quan Nhà nước.
62% các cơ sở sản xuất này sử dụng chính nhà ở làm điểm kinh doanh, trong đó hộ có điều kiện kinh tế hơn (tức hộ giàu) có 57% sử dụng, và hộ nghèo có tới 64% sử dụng.
67,4% các cơ sở sản xuất hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn tự có, và chỉ 5% (các hộ có đăng ký kinh doanh) là hoạt động nhờ nguồn vốn tín dụng khác.
Các cơ sở sản xuất hiện nay chưa thấy được khả năng tiếp cận tín dụng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng những lợi ích khác từ việc đăng ký kinh doanh nên đa phần không mấy mặn mà chủ động đi đăng ký. Theo ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Phát triển Kinh tế Nông thôn của CIEM, khu vực kinh tế hộ cá thể với đặc điểm là năng động, dễ thích nghi với các điều kiện và môi trường kinh doanh nhưng hiện nay chưa thực sự được coi trọng và Nhà nước mới chỉ chú trọng ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp.
Trong khi khu vực kinh tế doanh nghiệp này đang tắc nghẽn trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì cần khuyến khích phát triển khu vực kinh tế hộ cá thể như một cứu cánh cho nền kinh tế: “Tôi cho rằng để khuyến khích kinh tế hộ cá thể phát triển song song với khu vực doanh nghiệp và đặc biệt trong giai đoạn khu vực doanh nghiệp còn khó khăn thì cần hoàn thiện văn bản pháp luật kinh tế hộ, góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của khu vực kinh tế này. Từ đó, chúng ta sẽ có chiến lược cụ thể, đồng thời định hướng và có biện pháp đủ mạnh để kinh tế hộ phát triển”, ông cho biết.
Nguồn Dân Việt