Thị trường dược phẩm Việt Nam là môi trường cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc. Ảnh: Quý Hoà.
Traphaco "kê đơn" thuốc mới
Hơn 2 thập kỷ qua, các nhãn hàng Đông dược chủ lực như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não - Cebraton, Tottri... được ví như “bò sữa” đem lại biên lợi nhuận gộp rất cao, trên 50% cho Công ty Cổ phần Traphaco. Nhưng sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, những năm gần đây, tình hình kinh doanh mảng Đông dược gặp khá nhiều thách thức.
Giữ vững Đông dược
Ông Kim Dong Hyu, Phó Tổng Giám đốc Traphaco, chia sẻ, hiện doanh thu mảng ngoài Đông dược chiếm khoảng 30-35% tổng doanh thu. Traphaco đặt mục tiêu phát triển mảng tân dược lên mức 60-65% tổng doanh thu và mảng Đông dược sẽ chiếm từ 35-40%. Mục tiêu có thể thay đổi trong tương lai tùy định hướng tại mỗi thời điểm.
Tuy nhiên, cũng như hầu hết ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ khác, sự phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển chung của nền kinh tế. Thị trường dược phẩm Việt Nam là môi trường cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có cả những cơ sở sản xuất tân dược và Đông dược, vaccine và sinh phẩm y tế. Nhiều sản phẩm nước ngoài gia nhập thị trường cũng khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, tính đến năm 2022, Việt Nam có 5 doanh nghiệp dược có vốn đầu tư nước ngoài, 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP cao như GMP-EU, PIC/S GMP, Japan-GMP... Do đặc trưng của Đông dược chế biến không đòi hỏi công nghệ cao nên được sản xuất và phân phối bởi các nhà máy lớn cũng như các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ. Hiện có tới hơn 80 doanh nghiệp, hơn 400 cơ sở sản xuất thuốc Đông dược, tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Sản phẩm Đông dược của Traphaco bị cạnh tranh về giá từ các sản phẩm tương đồng ở cả kênh bán lẻ OTC (thuốc không kê đơn) và kênh điều trị ETC (bệnh viện, phòng khám kê đơn). Thị trường hiện có hơn 50 sản phẩm cùng nhóm tác dụng với Boganic và hơn 30 sản phẩm cùng nhóm tác dụng với Hoạt huyết dưỡng não đang lưu hành ở Việt Nam.
Bộ đôi Đông Tây y
Sự kết hợp giữa 2 nhà đầu tư Hàn Quốc là Mirae Asset Capital (tập đoàn đầu tư lớn nhất ở Hàn Quốc) và Daewoong (Top 3 công ty lớn của ngành dược) được kỳ vọng giúp Traphaco trở thành công ty dược số 1 tại thị trường Việt Nam. Đại diện cho cổ đông là Daewoong khẳng định, không có ý định từ bỏ mảng Đông dược ở Traphaco mà muốn phát triển cả 2 lĩnh vực, vừa giữ thế mạnh của Traphaco về Đông dược, vừa tập trung phát triển các sản phẩm tân dược đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và cũng là thế mạnh sẵn có của Daewoong.
Ông Chung Ji Kwang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Traphaco, cho biết: “Tập trung đầu tư phát triển tân dược và nâng cao năng lực sản xuất mảng này, đặc biệt Traphaco cân nhắc đầu tư dây chuyền GMP-EU sau khi có báo cáo khả thi”.
Đây được coi là bước tiến quan trọng của Công ty, tham gia sân chơi của các doanh nghiệp lớn ngành dược khi hiện nay cả Việt Nam mới có 10 doanh nghiệp có nhà máy GMP-EU, trong đó có tới 9/10 doanh nghiệp FDI. Ở mảng tân dược, ngoài danh mục sản phẩm có thế mạnh như nhóm thuốc ho methorphan, thuốc nhỏ mắt..., sản phẩm tương đương sinh học (BE) sẽ là từ khóa được tập trung trong năm 2023 và xa hơn. Năm 2022, nhóm sản phẩm kháng sinh Arizi, thuốc hạ mỡ máu Claritra, DW-TRA TimaRo (Rosuvastatin), thuốc trị viêm loét dạ dày DW-TRA RebaTot, thuốc trị sỏi mật UDCA đã được công bố BE, tự tin là sản phẩm có hiệu quả và an toàn tương đương biệt dược gốc và tạo lợi thế cho Công ty đẩy mạnh thâm nhập vào kênh ETC.
Doanh thu kênh ETC năm 2022 của Traphaco đã tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Năm 2023 Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng qua kênh ETC tối thiểu 17%. Kênh ETC chiếm khoảng 70% thị trường thuốc, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, là những khu vực có nhiều bệnh viện với nhu cầu sử dụng thuốc chuyên khoa đặc trị cao. Hiện thị phần ở kênh ETC chủ yếu vẫn đến từ thuốc nhập khẩu. Vì vậy, việc đầu tư, nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn cao để sản xuất các thuốc có chất lượng cao nhằm đấu thầu vào kênh ETC để bán thuốc cho bệnh viện sẽ là lời giải cho bài toán tăng trưởng trong thời gian tới của các công ty dược.
Ngoài kênh ETC, kênh OTC của Traphaco cũng được làm mới. Công ty đã thúc đẩy doanh số bán hàng qua các chuỗi nhà thuốc (3-5 kênh), giúp mang lại tăng trưởng doanh thu 60% so với năm 2022 (61,8 tỉ đồng vào năm 2021), kênh trực tuyến như thương mại điện tử tăng 50% (8,6 tỉ đồng vào năm 2021). Chuỗi cung ứng dược phẩm của Traphaco cũng hứa hẹn có nhiều điểm mới khi Công ty sản xuất cả thuốc generic (thuốc hết thời hạn bảo hộ phát minh) lẫn thuốc patent (thuốc bản quyền sáng chế).
Với nhiều giải pháp, Công ty đặt mục tiêu doanh thu mảng tân dược đến năm 2025 sẽ đạt 1.700 tỉ đồng, đóng góp 40% cơ cấu doanh thu, tốc độ tăng trưởng kép 20%/năm giai đoạn 2020-2025. Cùng với những nhãn hàng đã có chỗ đứng trên thị trường, cộng với “toa thuốc” mới trong mảng tân dược kỳ vọng sớm trở thành động lực lợi nhuận không thua kém so với các sản phẩm Đông dược đã làm nên tên tuổi của Traphaco.
Có thể bạn quan tâm: