Trao quyền điều tra cho UBCK, một số đại biểu Quốc hội không đồng ý
Bổ sung thẩm quyền điều tra cho UBCK vào dự thảo luật
Tại phiên họp thường trực mở rộng của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây, để thẩm tra Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã đọc tờ trình Dự án Luật.
Một nội dung đáng chú ý trong Dự án Luật là Chính phủ đề nghị bổ sung UBCK là cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Các lý do để bổ sung thẩm quyền này cho UBCK là tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày một tinh vi. Việc bổ sung UBCK được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cơ quan quản lý TTCK các nước đều được giao thẩm quyền điều tra. Hơn nữa, qua thực hiện các quy định của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, tổ chức của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác như: biên phòng, hải quan, kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã đi vào ổn định, phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nên trao thẩm quyền điều tra cho UBCK là hợp lý.
Thực ra, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề nghị các cơ quan liên quan xem xét trao thẩm quyền điều tra ban đầu cho UBCK. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đề xuất này được cụ thể hóa tại Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, khi trình ra Ủy ban Tư pháp để thẩm tra.
Theo UBCK, TTCK Việt Nam đã trải qua 15 năm phát triển, nhưng đến nay cơ quản lý vẫn chưa được trao thẩm quyền điều tra theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, ngay cả các thị trường đi sau Việt Nam rất xa như Lào, Campuchia, thì cơ quan quản lý TTCK cũng có thẩm quyền điều tra ban đầu.
Việc cơ quan quản lý TTCK Việt Nam chưa được trao thẩm quyền điều tra, trong cái nhìn của các tổ chức, giới đầu tư quốc tế, là một trong những nguyên nhân khiến tính hiệu quả trong bảo vệ NĐT còn nhiều hạn chế, tính minh bạch của thị trường chưa cao.
Ý kiến trái chiều
Nên hay chưa nên trao thẩm quyền điều tra cho UBCK, hiện vẫn còn những ý kiến trái chiều trong giới lập pháp, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán.
Khi Dự án Luật được trình Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra mới đây, bên cạnh các ý kiến đồng thuận, không ít ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ, một số ý kiến cho rằng, việc trao thẩm quyền điều tra cho UBCK là không hợp lý.
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan quản lý TTCK là không phù hợp.
Theo một số đại biểu, trước đây, luật trao cho biên phòng, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển một số hoạt động điều tra là do đặc thù địa bàn hoạt động, chứ không phải đặc thù của lĩnh vực. Do đó, việc trao thẩm quyền điều tra cho UBCK vì lý do đây là lĩnh vực đặc thù là chưa thuyết phục.
Xu hướng cải cách tư pháp là tổ chức cơ quan điều tra chuyên trách ngày càng mạnh lên, chứ nếu mở rộng thẩm quyền điều tra cho nhiều cơ quan, lĩnh vực, thì có thể dẫn đến tình trạng… nhà nhà điều tra, người người điều tra. Hơn nữa, nếu giao thẩm quyền điều tra cho UBCK, thì phải giao mô hình tổ chức tương ứng; trường hợp chỉ giao thẩm quyền điều tra, mà không giao tổ chức như không có thủ trưởng cơ quan điều tra, không có điều tra viên chuyên trách, thì điều tra thế nào, tính khả thi, hiệu quả đến đâu?
Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành và cho biết, trên cơ sở chắt lọc các ý kiến, Ban soạn thảo sẽ chỉnh lý, bổ sung Dự án Luật để đảm bảo tính thống nhất với Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân… Sau bước hoàn thiện này, Dự án Luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sắp tới.
Nguồn Đầu tư chứng khoán