Tranh mua gạo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc
"Khi họ mua hàng thì thương lái trong nước lại đổ xô đi thu gom, đến khi họ đột ngột ngưng thì lại xảy ra tồn hàng. Chẳng có hợp đồng hay giao ước gì được ký kết nên trục trặc, rủi ro xảy ra thì phần thiệt luôn thuộc về thương lái và nông dân mình" |
Nhiều thương lái từ các tỉnh phía bắc, trong đó có cả người Trung Quốc (TQ) đến tận kho để thu mua giá cao hơn thị trường, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu. Tiêu chuẩn, chất lượng như độ ẩm, loại gạo… chỉ cần xem xét qua loa, thủ tục mua bán rất dễ dàng. “Do nhu cầu quá lớn, các nhà máy xay xát tư nhân đã chạy hết công suất nhưng vẫn không đủ nguồn hàng để giao cho các thương lái”, ông T. nói.
Còn ông Lê Văn Liệt, thương lái mua lúa ở H.Thới Lai (TP.Cần Thơ) thì cho biết: “Thương lái làm đầu mối cho TQ đổ xô mua và chấp nhận giá gạo cao hơn hẳn. Chẳng hạn gạo 5% tấm họ sẵn sàng trả từ 10.500 - 11.000 đồng/kg, trong khi giá hiện tại trên thị trường là 9.500 đồng/kg”.
Rủi ro
Theo chủ một DN lớn chuyên kinh doanh gạo xuất khẩu tại H.Lấp Vò, Đồng Tháp, hầu hết các DN xuất khẩu gạo chính ngạch đều đang điêu đứng vì giá gạo sô (loại gạo chỉ mới tách vỏ) tăng từng ngày do các thương lái phía bắc vào thu mua ráo riết. “Tuần trước, giá gạo sô chỉ khoảng 6.700 đồng/kg thì mấy hôm nay đã trên dưới 7.000 đồng/kg nhưng vẫn không có gạo để mua. Nếu tình trạng này kéo dài thì các DN có nguy cơ không có đủ nguồn hàng giao theo hợp đồng đã ký”.
Ông L.V.P, tổng giám đốc một DN xuất khẩu nông sản tại TP.Cần Thơ cho biết, trong khi lượng gạo xuất qua đường chính ngạch trung bình từ 300.000 - 700.000 tấn/tháng thì lượng gạo xuất tiểu ngạch rất khó quản lý và điều này sẽ gây khó khăn cho công tác điều hành xuất khẩu của nhà nước. “Riêng lượng gạo các thương lái đến các tỉnh miền Tây thu mua để xuất sang TQ ước tính lên đến khoảng 100.000 tấn/tháng”, ông P. thông tin.
GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định nguyên nhân của tình hình nói trên là do TQ đang có nhu cầu về gạo rất lớn. Đặc biệt là khi diễn biến thời tiết đang đầy bất trắc nên họ buộc phải mua lúa gạo dồn dập nhằm chủ động nguồn lương thực. “Khi TQ tranh mua thì đương nhiên sẽ thúc đẩy giá lúa, gạo ở ĐBSCL tăng lên. Chưa kể những diễn biến thời tiết ở Philippines cũng cho thấy rất có thể họ phải nhập thêm của VN khoảng 200.000 tấn gạo ngoài hợp đồng 800.000 tấn đã ký. Động thái này ít nhiều cũng tạo ra tâm lý cần tranh thủ mua trước của thương lái TQ”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Một số chuyên gia khác nhận định TQ vốn là thị trường dễ tính, địa lý lại cận kề nên việc xuất qua đường tiểu ngạch hay chính ngạch đều rất thuận lợi. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã có khoảng 3 triệu tấn được xuất qua thị trường này, chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế là TQ thường tận dụng mua gạo VN qua đường tiểu ngạch thay vì chính ngạch. GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng đây là kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì”, ẩn chứa nhiều rủi ro cả trong việc xuất khẩu lẫn khâu thanh toán. “Khi họ mua hàng thì thương lái trong nước lại đổ xô đi thu gom, đến khi họ đột ngột ngưng thì lại xảy ra tồn hàng. Chẳng có hợp đồng hay giao ước gì được ký kết nên trục trặc, rủi ro xảy ra thì phần thiệt luôn thuộc về thương lái và nông dân mình”, ông Xuân nói.
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để hạn chế nguy cơ thiếu hụt gạo nguyên liệu cung ứng cho các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, các DN xuất khẩu gạo, nhất là các DN lớn phải chủ động đầu tư cho vùng nguyên liệu. Cách làm như hiện nay là cứ đi ký hợp đồng xuất khẩu sau đó mới chạy đi thu mua của nông dân khiến họ khó có thể thoát thế bị động. Cách làm đó cũng khiến giá thu mua lúa của nông dân trồi sụt thất thường. |
Nguồn Thanh Niên