Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh, SHB phải trả 11 tỷ đồng
Theo đó, năm 2008, Công ty Thủy điện miền Nam ký hợp đồng xây dựng với Công ty Cavico Việt Nam, giá trị hợp đồng tạm tính là 307,77 tỷ đồng, phía Công ty Thủy điện miền Nam tạm ứng 10% giá trị hợp đồng.
Habubank đứng ra bảo lãnh hoàn tạm ứng. Sau đó, Habubank sáp nhập vàoNgân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), giữa chủ đầu tư và nhà thầu có điều chỉnh giảm khối lượng công việc, qua đó giảm giá trị tạm ứng, nên Thủy điện miền Nam đã khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc SHB phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Bản án sơ thẩm tuyên buộc SHB phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả cho Công ty Thủy điện miền Nam số tiền tạm ứng và lãi chậm thanh toán 11,86 tỷ đồng.
Không đồng tình bản án trên, SHB có đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện SHB trình bày, Ngân hàng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm bởi Tòa cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ công nợ giữa Công ty Cavico Việt Nam và Công ty Thủy điện miền Nam, khối lượng công việc thực hiện chưa được chủ đầu tư đối chiếu xác nhận và quyết toán.
Đại diện SHB cho biết, SHB yêu cầu Cavico Việt Nam và Thủy điện miền Nam đối chiếu công nợ, làm căn cứ để Ngân hàng xem xét thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Quá trình giải quyết giữa các bên, Công ty Cavico Việt Nam đề nghị Công ty Thủy điện miền Nam làm thủ tục nghiệm thu, yêu cầu thanh toán, thanh lý hợp đồng, đối chiếu công nợ, nhưng công ty này không thực hiện.
Là ngân hàng bảo lãnh, SHB đã mời Công ty Thủy điện miền Nam đến làm việc và tại buổi làm việc này, phía Công ty Thủy điện miền Nam xác nhận, Công ty Cavico Việt Nam thi công được một khối lượng công việc, nhưng chưa được nghiệm thu quyết toán, có thể đến cuối năm 2013 mới quyết toán được. Thực tế, đến nay, Thủy điện miền Nam vẫn chưa quyết toán cho Cavico Việt Nam.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 366 Bộ luật Dân sự quy định, bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh. Do đó, Tòa cấp sơ thẩm chưa yêu cầu Cavico Việt Nam và Thủy điện miền Nam đối chiếu thanh toán quyết toán, xác định công nợ mà đã buộc SHB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là thiếu căn cứ pháp lý. SHB đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm.
Tuy nhiên, theo Công ty Thủy điện miền Nam, vấn đề công nợ giữa Công ty với Cavico Việt Nam không liên quan đến vụ án này. “Chúng tôi không tranh chấp công nợ với bên nhà thầu là Công ty Cavico Việt Nam, chúng tôi khởi kiện SHB, yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đơn phương”, đại diện Thủy điện miền Nam nói và cho rằng, khi nhà thầu không thực hiện hoàn trả thì Công ty có quyền yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Về phần nghiệm thu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, theo Công ty Thủy điện miền Nam, chủ đầu tư chưa thể thực hiện việc thanh lý, bởi không có căn cứ pháp lý và trái với quy định trong hợp đồng. Cụ thể, Thủy điện miền Nam tuy là CTCP, nhưng cả 3 đơn vị góp vốn đều là công ty nhà nước, do đó, thực chất tài sản của Công ty là tài sản nhà nước. Vì vậy, Công ty phải tuân thủ các quy định về xây dựng cơ bản.
Theo đó, chủ đầu tư chỉ được thanh lý hợp đồng với nhà thầu khi kết thúc thời gian bảo hành. Thời gian bảo hành là 12 tháng. Sau khi bàn giao, công trình đi vào hoạt động thì nghĩa vụ bảo hành mới bắt đầu phát sinh. Đến nay, chưa bàn giao công trình, chưa đưa vào hoạt động, chưa thi công xong, thì căn cứ vào đâu mà đối trừ công nợ thanh lý hợp đồng. Do đó, Công ty Thủy điện miền Nam đề nghị Tòa cấp sơ thẩm bác đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận thấy, phía Ngân hàng đã phát hành chứng thư bảo lãnh hoàn trả tạm ứng, cam kết thanh toán bảo lãnh vô điều kiện ngay khi có yêu cầu đầu tiên của Công ty Thủy điện miền Nam với số tiền cao nhất là 30,77 tỷ đồng, mà không cần bất kỳ khoản đối trừ nào, cũng như không cần ý kiến của Công ty Cavico miền Nam. Giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã điều chỉnh giá trị hợp đồng, nên giá trị tạm ứng bị giảm tương ứng, phía nhà thầu cũng có văn bản đồng ý trả số tiền tạm ứng vượt quá. Công ty thủy điện miền Nam yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là phù hợp với các quy định pháp luật.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của SHB, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên buộc SHB phải trả cho Công ty Thủy điện miền Nam số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán