Tranh chấp Bảo Long - Bảo Sơn: Nguyên Chủ tịch Bảo Long rút kháng cáo
Bị cáo của vụ án là ông Nguyễn Hữu Khai, sinh năm 1952, trú tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, được nhiều người biết đến với tài bốc thuốc chữa bệnh, được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Ông này còn lập ra môn phái Bảo Long Y Võ. Bởi thế, việc nguyên Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long có tranh chấp với doanh nhân Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (gọi tắt là Tập đoàn Bảo Sơn) rất được dư luận chú ý.
Theo tài liệu vụ án, ông Nguyễn Trường Sơn đã có đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Khai chiếm đoạt 10 tỷ đồng của Tập đoàn Bảo Sơn. Cụ thể, đầu năm 2011, ông Khai và các cổ đông sáng lập đã thống nhất chuyển nhượng Tập đoàn Bảo Long cho Tập đoàn Bảo Sơn, với tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng. Sau đó, hai bên ký kết các hợp đồng cần thiết, thanh toán và làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời gian hai tập đoàn làm thủ tục chuyển nhượng pháp nhân, ông Khai, với tư cách là đại diện Tập đoàn Bảo Long đã ký với Tập đoàn Bảo Sơn 2 hợp đồng có nội dung Tập đoàn Bảo Sơn đầu tư 10 tỷ đồng để Bảo Long mua nguyên liệu phục vụ sản xuất trong thời hạn 1 năm, hàng tháng, Bảo Long trả cho Bảo Sơn tiền lãi là 240 triệu đồng. Hợp đồng ký xong, phía Bảo Sơn đã chuyển cho Bảo Long 5 tỷ đồng. Đến ngày 31/3/2011, Tập đoàn Bảo Long lập báo cáo dự toán tài chính kế hoạch sản xuất thành phẩm quý II/2011 với nội dung: tổng số tiền mua nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất hơn 11 tỷ đồng.
Tại báo cáo này, ông Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu Bảo Long lập kế hoạch chi tiết các nguyên liệu được mua. Ông Khai đã chỉ đạo bà Hằng, Phó giám đốc Tập đoàn Bảo Long; Vũ Văn Hùng, Kế toán trưởng của Tập đoàn Bảo Long; Trần Duy Phối, Trưởng phòng kế hoạch Tập đoàn Bảo Long lập kế hoạch chi tiết tài chính cho việc mua nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất quý II/2011 của Tập đoàn Bảo Long. Trên cơ sở kế hoạch chi tiết, ngày 28/4/2011, hai bên ký hợp đồng đầu tư số 15 và Bảo Long nhận tiếp 5 tỷ đồng còn lại.
Ông Khai bị cáo buộc, sau khi nhận đủ tiền đã không dùng mua nguyên liệu phục vụ sản xuất mà chỉ đạo bà Hằng, ông Hùng lập kế hoạch sử dụng số tiền này để trả nợ. Hành vi này phạm vào tội sử dụng trái phép tài sản.
Về trách nhiệm hình sự, tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt ông Khai 3 năm tù về tội sử dụng trái phép tài sản, theo khoản 3, Điều 142, Bộ luật Hình sự. Về trách nhiệm dân sự, ông Khai và ông Sơn đã thỏa thuận xong việc bồi thường, khắc phục hậu quả tiền gốc và lãi khoản tiền 10 tỷ đồng.
Cho rằng mình bị oan, ông Khai đã làm đơn kháng cáo. Ông Khai trình bày rằng, khoản tiền 10 tỷ đồng trên thực chất là quan hệ vay tiền có trả lãi. Đây không phải là quan hệ tín dụng với ngân hàng. Việc vay tiền nhằm mục đích mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Thời hạn vay là 1 năm mà sản xuất phải có tiến độ, không thể liền một lúc đầu tư hết tiền mua nguyên liệu, nên Tập đoàn Bảo Long có dùng một phần để mua và trả nợ tiền mua nguyên liệu (1,6 tỷ đồng), số còn lại phục vụ cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn.
Ông Khai cũng cho rằng, tranh chấp nếu không giải quyết được thì kiện ra tòa án theo quy định của hợp đồng vay vốn. Pháp luật dân sự về vay tài sản cũng quy định, các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng trái mục đích.
“Như vậy, đây chỉ là quan hệ hợp đồng thuần túy, nên việc quy tội hình sự là hình sự hóa quan hệ dân sự”, đơn kháng cáo của ông Khai viết.
Tại phiên phúc thẩm, ông Khai tỏ ra lẫn lộn về các sự kiện, lúc thì khai rằng bản chất là việc vay nợ, lúc lại cho rằng, 10 tỷ đồng là phần thêm thắt trong việc chuyển nhượng Tập đoàn Bảo Long, rồi lại cho rằng đó là hợp đồng làm ăn. Ngay cả việc Bảo Long đã thực hiện bàn giao bất động sản thuộc quyền sở hữu của mình tại TP. HCM cho Tập đoàn Bảo Sơn để khắc phục hậu quả, nguyên Chủ tịch Bảo Long cũng không nhớ. Cuối cùng, khi HĐXX hỏi về kháng cáo, ông Khai đã rút kháng cáo và thừa nhận hiểu biết pháp luật kém. Do ông Khai rút đơn kháng cáo, nên HĐXX đã đình chỉ vụ án.
Ông Khai bị bắt tạm giam từ tháng 6/2013, đến nay đã được tạm giam 19 tháng. So với bản án 3 năm, ông Khai phải chấp hành thêm 17 tháng tù giam.
Nguồn Đầu tư chứng khoán