Tranh cãi việc chọn giống làm tiêu chuẩn gạo Việt Nam
Sự việc được phát hiện khi chính tác giả của giống lúa bị “đánh tráo” lên tiếng.
Sáng 8-9 tại TP.Cần Thơ đã diễn ra hội thảo góp ý các dự thảo tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực lúa gạo.
Hội thảo do Cục Chế biến Nông - Lâm - Thủy sản và Ngành muối (Bộ NN&PTNT) tổ chức với mục đích lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo quy định tiêu chuẩn lúa gạo Việt Nam được áp dụng trong thời gian tới.
Tầm quan trọng của hội thảo đã thu hút nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp… trong lĩnh vực lúa gạo có mặt, trong đó có tiến sĩ Hồ Quang Cua - nguyên phó giám đốc sở NN&PTNT Sóc Trăng, người gắn liền với những giống lúa mang thương hiệu “ST” nổi tiếng.
Trong dự thảo tiêu chuẩn quốc gia quy định với gạo thơm trắng, có 3 giống lúa là Jasmine 85, Nàng hoa 9 và ST 21 được chọn làm tiêu chuẩn để áp dụng cho các loại gạo cao cấp của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay sau phần trình bày của đại diện đơn vị tổ chức, ông Cua khẳng định giống ST 21 của ông không hề có những đặc điểm giống như mô tả trong dự thảo nói trên mà những đặc điểm đó khớp với mô tả của giống lúa RVT xuất xứ từ…Trung Quốc.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông - Lâm - Thủy sản và ngành muối giải thích sở dĩ 3 giống Jasmine 85, Nàng hoa 9 và ST 21 được chọn là do những giống này dẫn đầu sản lượng xuất khẩu trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Cua cho biết một sự thật là giống ST 21 của ông chưa được công nhận. Điều này đồng nghĩa với nó chưa được phép trồng đại trà, vì thế cũng không lấy đâu ra gạo ST 21 được xuất khẩu.
Khi phóng viên Tuổi Trẻ chất vấn vì sao lại có chuyện mâu thuẫn này, ông Đô nói sẽ cho kiểm tra lại và cho đây là sự “nhầm lẫn”.
Bên cạnh đó, việc lấy giống Jasmine 85 và Nàng hoa 9 làm tiêu chuẩn cũng có nhiều ý kiến khác nhau trong ngành lúa gạo. Bởi giống Nàng hoa 9 cũng là “con” của giống Jasmine vì nó được lai từ giống AS 96 với Jasmine. Hơn nữa, lúa Jamine nổi tiếng được trồng trên diện tích lớn tại Việt Nam thực chất là giống lúa có nguồn gốc từ… Mỹ.
Nguồn TTO