Thứ Tư | 19/03/2014 11:11

Tranh cãi về "room" cho nhà đầu tư chiến lược

Các ngân hàng Việt Nam lại khá mở rộng khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Nghị định 01 có hiệu lực từ cuối tháng 2 vừa qua.

Điều 7 của Nghị định 01 quy định, tỉ lệ cổ phần sở hữu mà nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được đầu tư vào định chế tín dụng Việt Nam (gọi tắt là "room") không vượt quá 20% vốn pháp định, cao hơn đôi chút so với tỷ lệ 15% theo Nghị định 69 năm 2007.

Nghị định 01 quy định thêm, tổng tất cả đầu tư nước ngoài không được sở hữu cổ phần vượt quá 30% vốn pháp định tại các định chế tín dụng của Việt Nam.

Đối với các trường hợp đặc biệt như tái cấu trúc các định chế tín dụng yếu kém để đảm bảo an toàn hệ thống, Thủ tướng sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu với từng trường hợp.

Tỷ lệ sở hữu như trên đã làm nản lòng hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư thật sự vào ngân hàng ở Việt Nam, theo ông Nicolas Audier, Ủy viên Ban điều hành của Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) tại hội thảo Cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam do EuroCham tổ chức cùng với Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18-3.

Ông Audier nói: "Không có cải thiện nào đáng kể trong Nghị định 01 vì tổng room cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn là 30% như trước đây. Việc cho nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 20% vốn cũng đã diễn ra trên thực tế rồi".

Nhắc đến thông tin về vụ Ngân hàng ACB trước đây bị một số cổ đông thao túng, trong khi Ngân hàng Standard Chartered và Công ty Tài chính IFC (thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới) đã có cổ phần trong ngân hàng mà không biết gì, ông nói: "Nếu đối tác nước ngoài chưa có quyền đủ lớn thì họ khó mà có tác động để đem đến hiệu quả".

"Việt Nam nên cân nhắc nâng trần hơn nữa, nhất là khi ngành ngân hàng đang đối diện với các vấn đề nợ xấu cao, sở hữu chéo, quản lý không hiệu quả", ông Audier nói.

Ông Audier nhận xét thêm, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém hiện nay của Việt Nam mà không có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài thì chẳng giúp gì để xử lý nợ xấu. "Với cách làm này thì nợ xấu vẫn y nguyên đấy mà chẳng được xử lý".

Ông Remco Gaanderse, Ngân hàng ING Bank nói thêm, lẽ ra Việt Nam nên nới room lên mức 50-51% cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, thay vì tỷ lệ 20%.

"Nếu Việt Nam vẫn duy trì trần 20%, thì Việt Nam vẫn đang đóng cửa, tự quản lý mình, và như vậy là không thể tiếp cận đến quản trị hiện đại của các ngân hàng nước ngoài", ông nói.

Ông Mạc Quang Huy, Giám đốc điều hành của Maritime Bank Securities bổ sung thêm: "Nếu Việt Nam nới room cho nhà đầu tư chiến lược sau 5-10 năm nữa, thì ý nghĩa chào đón các nhà đầu tư chiến lược vào xử lý nợ xấu chả còn gì. Chúng ta nên mở ngay thời điểm này, chứ không nên dọn dẹp nhà của sạch sẽ xong mới mở cửa đón họ".

Tuy nhiên, tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước lại có nỗi lo riêng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đến nay mới chỉ nắm khoảng 6% tổng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng, có nghĩa là còn khoảng 24%. Chỉ có vài ngân hàng như An Bình, VietinBank là dùng hết room 20% cho nhà đầu tư chiến lược.

"Như vậy có nghĩa là room cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa hết", ông Hùng nói.

Ông nói, việc nâng room từ 15% lên 20% hiện tại là động thái gửi đi thông điệp là Việt Nam cần nhà đầu tư chiến lược trong ngành ngân hàng thật. Tuy nhiên, ông Hùng bổ sung thêm kinh nghiệm các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ một lượng lớn ngoại tệ vào thị trường chứng khoán những năm 2007-2008, rồi sau đó rút ra, làm Việt Nam phải thận trọng.

Ông Hoàng Xuân Hòa, Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương Đảng bổ sung: "Chúng tôi cần có lộ trình để mở cửa. Nếu mở rộng quá, cũng không hấp thụ được".

Nguồn TBKTSG


Sự kiện