Có một nghịch lý là khi giá xuất khẩu tăng thì giá lúa ở nội địa sẽ tăng tương ứng, thậm chí còn tăng cao. Ảnh: Quý Hoà.

 
Thanh Hương Thứ Ba | 22/08/2023 16:00

Tránh bẫy giá gạo

Giá gạo thế giới tăng chóng mặt từng ngày đang gây khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi phải tính phương án cho an toàn và tránh bẫy giá.

“Mỗi hôm gạo tăng thêm 200-300 đồng/kg khiến chúng tôi rất đau đầu, phải nghĩ cách để khéo léo điều chỉnh giữ chân khách hàng”, chị Oanh, chủ một đại lý bán gạo tại TP.HCM, chia sẻ.

Giá gạo nóng từng centimet

Trong lịch sử 18 năm qua, chưa khi nào người nông dân trồng ruộng lại chảnh như bây giờ khi mấy chục ha ruộng của họ bỗng “trúng mùa được giá” đến bất ngờ. Cuộc cạnh tranh, săn lúa giữa các thương lái bắt đầu từ khi họ ráo riết thu gom lúa dự trữ. Thậm chí, những thương lái lúa vốn cân lên đặt xuống từng công lúa nay lại giành giật, tranh nhau bỏ cọc ruộng từ lúc “lúa đứng” từ cả tháng nay. Cuộc rượt đuổi săn lúa khiến giá tăng nóng từng ngày. Nếu cuối tuần trước lúa được bán với giá 6.900 đồng/kg thì sang đầu tuần lại tăng lên đến 8.050 đồng/kg.

Bản thân các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu gạo cũng không thể cạnh tranh với thương lái. Bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ, chia sẻ: “Doanh nghiệp hiện rất khó thu mua lúa”.

 

Thực tế, các ruộng lúa trên đồng đã bị các thương lái đặt mua trong khi doanh nghiệp phải gom hàng để trả đơn đã ký với giá thấp trước đó. Một số khác không có đơn nhưng cũng không muốn bán ra do giá mỗi ngày lên 2-3 đợt, bà Thảo cho biết.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vrice, chia sẻ thêm: “Có tới hơn 95% diện tích lúa hè thu của nông dân đã nhận cọc từ thương lái 20-30 ngày trước khi thu hoạch. Do đó, khi giá lúa tăng thì thương lái là người có lời nhiều nhất, còn nông dân chỉ được phần nhỏ”.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), thì cho biết: “Có một số lượng lớn thương lái đã gom hàng từ thời điểm Ấn Độ vừa cấm xuất khẩu gạo và không bán ra khiến giá lúa liên tục tăng như những ngày qua”.

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh trên toàn cầu khiến an ninh lương thực bị đe dọa. “Việc một số nước ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng chóng mặt, bởi cầu đang lớn hơn cung và nhiều nước đẩy mạnh thu mua gạo để phục vụ nhu cầu trong nước. Dự báo giá gạo trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới”, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân nhận định.

Câu chuyện bắt đầu nóng lên khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (chiếm tới 40%), dừng xuất khẩu một số loại gạo thường. Sau đó, Nga, UAE cũng cấm xuất mặt hàng này. Ngay lập tức, giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới tăng liên tục trong 2 tuần qua, cao nhất là gần 660 USD/tấn với gạo 5% tấm. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.

Theo báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP), thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực “với quy mô chưa từng có, lớn nhất trong lịch sử hiện đại”. Fitch Solutions thì dự báo sản lượng gạo toàn cầu đang giảm khiến lượng gạo thâm hụt lên đến 8,7 triệu tấn. Thâm hụt sẽ khiến giá gạo duy trì ở mức cao cho đến năm 2024.

Trong khi đó, xu hướng bảo hộ an ninh lương thực đang lan rộng. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định, tỉ lệ các quốc gia và vùng lãnh thổ không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Vì vậy, hiện nay có gần 30 quốc gia đã siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngay cả các nước nhập khẩu khi nghe thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam và đưa ra giá cao hơn để mua. Từ đó tác động đến thị trường gạo trong nước và đẩy giá lúa, giá gạo ở thị trường nội địa lên cao trong những ngày qua.

Cơ hội đi cùng thách thức

Việt Nam đã có bài học năm 2008 khi giá gạo tăng rất cao nhưng Việt Nam lại cấm xuất khẩu nên lỡ mất cơ hội. Vì có thể Ấn Độ sau khi ổn định tình hình, giá gạo trong nước sẽ quay trở lại thị trường, khi đó giá gạo sẽ giảm. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. “Đây là tín hiệu rất khả quan để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thương nhân cũng phải có những tính toán và các công cụ để phòng ngừa rủi ro, trong đó có rủi ro về giá và rủi ro về hợp đồng”, ông Hải nói.

 

Theo thông tin từ Lộc Trời, tập đoàn này và các đối tác đã chấp thuận việc mua bán, xuất khẩu lúa, gạo đến Indonesia và/hoặc Malaysia được thực hiện trong năm 2023, với giao dịch có giá trị tối đa 127 triệu USD. Tổng Giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận được giao đại diện cho Công ty ký kết các hồ sơ, tài liệu tham gia đấu thầu (nếu có), chào giá, liên quan đến giao dịch nêu trên.

Với mức giá như hiện nay, chỉ những doanh nghiệp may mắn có chân hàng do đã thu gom từ trước mới không bị ảnh hưởng, ví dụ như Phước Thành IV. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Phước Thành IV, cho biết các hợp đồng lớn trong năm 2023 với thị trường Philippines đã được doanh nghiệp này giao xong. Mới đây, Công ty cũng ký được hợp đồng với thị trường Philippines ở mức 710 USD/tấn.

Thực tế, bên cạnh việc khó thu mua, các doanh nghiệp xuất khẩu còn bày tỏ lo ngại bởi không muốn ký kết hợp đồng xuất khẩu mới cũng như không muốn chào bán trong thời điểm hiện tại. Ông Phạm Thái Bình của Trung An cho biết hiện lúa trong nước được bán với giá bình quân 7.000 đồng/kg. Với giá này nếu đem xuất khẩu phải trên 600 USD/tấn, doanh nghiệp mới có lãi (giá xuất khẩu của Việt Nam ở thời điểm hiện tại dưới 600 USD). Tuy nhiên, có một nghịch lý là khi giá xuất khẩu tăng thì giá lúa ở nội địa sẽ tăng tương ứng, thậm chí còn tăng cao hơn khiến doanh nghiệp không mặn mà ký hợp đồng mới.

“Chúng tôi vẫn đang giao các đơn hàng cho những hợp đồng đã ký từ hơn 1 tháng trước. Kể từ thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo cho đến nay, chúng tôi không ký thêm bất kỳ hợp đồng mới nào, bởi dù giá gạo theo chiều hướng có lợi, song thực chất doanh nghiệp nếu ký kết lại rất rủi ro”, ông Bình nói thêm.

Đối với những đơn hàng lớn từ vài chục ngàn tấn, do không có hàng để giao, một số doanh nghiệp đành xin trì hoãn thời gian giao. Tại Công ty Trung An, ông Phạm Thái Bình cho biết, nếu tính theo giá lúa nội địa như hiện nay, doanh nghiệp phải chào bán ở mức 670 USD/tấn mới có lời. Tuy vậy, doanh nghiệp hiện chào bán không được mức giá trên, chưa kể các hợp đồng đã ký từ vài tháng trước thì giá đều dưới 600 USD/tấn.

“Tiếp tục bán thì lỗ. Chúng tôi buộc phải thương lượng với đối tác lùi thời gian giao hàng sang vụ đông xuân. May mắn là đối tác cũng thông cảm và đồng ý lùi đơn hàng khoảng 20.000 tấn sang thời điểm thích hợp hơn để tránh mua giá cao lúc này”, ông Bình nói thêm.

Theo dự đoán của các doanh nghiệp, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục có những biến động mạnh. Ảnh: Quý Hoà.
Theo dự đoán của các doanh nghiệp, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục có những biến động mạnh. Ảnh: Quý Hoà.

Không chỉ Trung An, nhiều doanh nghiệp khác cũng buộc phải đàm phán để trì hoãn giao hàng sang tháng 9/2023 vì khó thu mua, thậm chí có doanh nghiệp còn hủy hợp đồng.

Dự báo về thị trường từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp cho biết, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục có những biến động mạnh. Trong bối cảnh đó, để tránh rủi ro, doanh nghiệp sẽ không ký những hợp đồng quá lớn, mà ưu tiên các hợp đồng nhỏ, ngắn hạn, đặc biệt khi có đủ chân hàng mới ký hợp đồng mới.

Cũng như Trung An, ông Phan Văn Có của Vrice nói rằng, hiện giá chào cho hợp đồng giao tháng 9-10/2023 của doanh nghiệp này với gạo trắng là 570 USD/tấn, gạo Jasmine là 680 USD/tấn, với giống gạo Nhật là 750 USD/tấn, tăng 60-70 USD/tấn so với trước đó.

Theo ông Có, thông thường doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân trước 1-2 tháng, sau đó mới thu mua và xuất khẩu. Những hợp đồng này là hợp đồng đặt cọc, ký cơ bản, trong điều khoản có nội dung vẫn điều chỉnh theo giá thị trường.

“Thông thường chúng tôi chỉ ký hợp đồng 50-60% chứ không ký hợp đồng 100% từ trước nên từ khi Ấn độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu khiến giá gạo trong nước tăng cao thì doanh nghiệp thu mua lại bị lỗ. Bởi những hợp đồng xuất khẩu đã ký thì giờ phải bắt buộc giao hàng, mà trên thị trường xuất khẩu cứ tăng khoảng 15 USD/ tấn, giá trong nước lại tăng gấp đôi, tức khoảng 30 USD/tấn”, ông Phan Văn Có cho hay.

Vì thế, giải pháp của Vrice thời điểm này là duy trì xuất khẩu đảm bảo cho những hợp đồng đã ký, còn khách hàng có nhu cầu mới thì phải đàm phán lại giá.

 

Thừa nhận thực trạng này, ông Đỗ Hà Nam của VFA cho rằng giá lúa gạo Việt Nam tăng nóng thời gian gần đây xuất phát từ nguyên nhân các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để trả các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Hiện tại, giá gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu là điều bất hợp lý nên sẽ sớm dừng lại khi các doanh nghiệp mua đủ hàng.

“Với giá gạo cao như hiện nay, doanh nghiệp chưa có đơn hàng cũng không dám thu mua vì sợ Ấn Độ quay lại thị trường, giá sẽ “sập”. Căn cứ các số liệu hiện có, Ấn Độ vẫn thừa gạo cần phải xuất khẩu, họ chỉ cấm xuất khẩu để hạ nhiệt giá nội địa. Giá gạo tăng quá mức không có lợi vì chỉ khoảng 1/3 dành cho xuất khẩu, 2/3 tiêu thụ nội địa”, ông Nam chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có cho rằng Ấn Độ chỉ cấm xuất khẩu với các hợp đồng thương mại, còn hợp đồng theo ký kết liên chính phủ vẫn thực hiện bình thường. Do đó, khả năng đến cuối tháng 8/2023 giá gạo mới ổn định.

Có thể bạn quan tâm:

Tìm điểm bật xuất khẩu