Trang trại chuối triệu đô của "hai lúa Long An"
Chuối là loại trái cây quen thuộc với người tiêu dùng và nông dân Việt. Đa phần chuối thành phẩm mới được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang một số thị trường, nhưng còn bấp bênh. Một năm trở lại đây, một thương hiệu chuối mới của Việt Nam đã tìm được đường xuất khẩu sang Nhật, Trung Đông, Hàn Quốc... Đó là chuối FOHLA của gia đình ông Võ Quan Huy, lão nông được xem là có diện tích đất canh tác lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, với gần 1.000 ha, từ nuôi bò Úc, tôm cho đến trồng hơn 30 loại nông sản.
Chuối sạch sang Nhật, Dubai
Trong buổi sáng nắng gắt tại trang trại rộng hàng trăm ha ở huyện Đức Huệ, Long An, hơn 50 chiếc xe cơ giới của Công ty Huy Long An rầm rập chạy trên mảnh đất cách đây 20 năm là vùng đất phèn không cỏ cây nào sinh sống được. Nhiều năm cặm cụi cải tạo đất, ông Võ Quan Huy (tên thường gọi Út Huy) đã được hái trái ngọt khi các loại trái cây Made in Vietnam, dán nhãn FOHLA (Fruit of Huy Long An) tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Khởi điểm từ cây mía, rồi đến ớt, cao su, cây ăn trái... đến năm 2000, ông Út Huy đầu tư nuôi tôm và bò Úc. Là một trong những đơn vị đầu tiên nhập khẩu bò Úc sống và quản lý giết mổ, số lượng bò của gia đình ông Út Huy hiện hơn 30.000 con, chiếm hơn 50% thị trường thịt ở các kênh truyền thống với số bò bán ra hằng tháng từ 7.000-10.000 con. Diện tích tôm nuôi trồng tại Sóc Trăng cũng lên đến khoảng 170 ha.
Tại trang trại ở Long An, theo quy trình khép kín, cỏ trồng từ ruộng và phế phẩm từ cây nông nghiệp dùng làm thức ăn cho bò. Còn chất thải của bò lại được ủ men vi sinh để bón phân cho cây và góp phần cải tạo đất phèn. Giữa cái nắng tháng 7, bước vào chuồng nuôi bò và hầm ủ phân của trại Út Huy, không thấy mùi hôi mới thấy được sự đầu tư bài bản và nghiêm túc của gia đình nông dân này.
Hơn 1 năm trước, nhận thấy chuối là mặt hàng quan trọng và có điều kiện phát triển tốt trong nước, lão nông 60 tuổi bắt đầu trồng thử nghiệm loại cây này. Nhập giống từ Đài Loan và thuê chuyên gia từ Philippines để truyền đạt kinh nghiệm, chuối FOHLA không những cho năng suất, chất lượng tốt mà còn xuất khẩu được sang Nhật, thị trường khó tính có sản lượng tiêu thụ lớn và đem lại giá trị cao cho nhà xuất khẩu.
“Chúng tôi đang trồng chuối ở 2 nơi. Diện tích trồng ở Tây Ninh hơn 70 ha và ở Long An là 50 ha, sẽ được mở rộng thành 100 ha vào cuối năm nay”, ông Út Huy cho biết. Khoản đầu tư cho mô hình trồng chuối sạch lên tới hàng triệu USD. Thậm chí, lão nông còn chịu chơi khi mời chuyên gia Frederick I. Silvero, có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines về tư vấn cho trang trại chuối của FOHLA.
Tại vườn, sau 9-10 tháng sinh trưởng, từng buồng chuối trên cây được bao bọc cẩn thận để chống sâu bệnh và côn trùng gây hại. Sau khi hái, chuối được đưa về khu vực xử lý bằng hệ thống dây chuyền ròng rọc để hạn chế trầy xước. Tiếp đến, chuối được rửa sạch bụi, loại bỏ cuống và thả trong bể khử khuẩn. Sau cùng, chuối được lau khô, đóng vào thùng có lót xốp giữa các lớp để tránh tì vết. Quy trình thoạt nhìn có vẻ đơn giản, song lại là kết quả của một quá trình đầu tư vận hành khá gian nan, kiểm soát chặt chẽ đến từng trái chuối thành phẩm.
Mỗi hecta trồng được khoảng 2.500 cây chuối, cho ra 20-30 tấn chuối thành phẩm (tỉ lệ hư hại, hao hụt khoảng 30%). Với giá bán tại vườn từ 8.000-10.000/kg, tỉ lệ lợi nhuận đạt được trung bình 25-30% nếu quản lý tốt. Có những lúc, thương lái Trung Quốc thu mua chuối ở mức 17.000-18.000/kg, nhưng gia đình ông Út Huy không bán hàng để tập trung cho những thị trường bền vững.
Mộng lớn với chuối
“Biết đến chuối FOHLA, các đơn vị thu mua của Nhật đến tận vườn để xem xét quy trình sản xuất và nếm thử sản phẩm của chúng tôi. Có vị ngọt nhẹ song lại thơm và giá cạnh tranh hơn chuối Philippines từ 2.000-3.000/kg, chuối FOHLA đã được xuất những container đầu tiên sang các hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei... của Nhật. Phải sau 7-8 tháng vừa làm vừa học, đến nay quy trình đóng gói và xuất khẩu chuối mới hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng Nhật và đảm bảo chất lượng chuối”, chuyên gia nông nghiệp Võ Quang Thuận, con trai lớn của ông Út Huy, cho biết. Các thương gia ở Dubai đã tìm về tận vườn của ông Huy kiểm tra, đánh giá và đã ký nhiều đơn hàng dài hạn để chuối Việt Nam vào các nước thuộc khu vực Trung Đông.
Hiện tại, sản lượng xuất khẩu của chuối FOHLA sang thị trường Nhật là 20 tấn trong mỗi 3-4 ngày, trong khi nhu cầu của đối tác Nhật lại gấp nhiều lần con số ấy. “Chúng tôi không tăng trưởng nóng, mà đang xây dựng nền tảng chắc chắn cho mục tiêu 500-1.000 ha chuyên canh chuối, cho sản lượng 80 tấn/ngày đến năm 2018”, anh Thuận cho biết.
Không chỉ riêng chuối, mà với các loại cây nông nghiệp khác, bước chuyển từ mô hình nông hộ lên quy mô sản xuất lớn, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu phải giải quyết được bài toán quản lý nông nghiệp trên diện rộng. Mỗi ha chuối FOHLA được đầu tư 400-500 triệu đồng cho hạ tầng, hệ thống tưới, nhà máy xử lý... Vậy nhưng quan trọng hơn cả vẫn là trình độ nhân lực. “Chúng tôi cần khoảng 1,5 năm để đào tạo được 1 người quản lý được 20 ha trồng chuối, điều phối 12-18 nhân công. Còn để quản lý được khâu đóng gói, xử lý, phân bổ đơn hàng, sắp xếp quy trình điều phối cho 100 ha chuối thì cần đến 3 năm. Đầu tư vào mô hình này không khó, nhưng nhà đầu tư phải có một tâm thế chuẩn bị đầy đủ cho nhịp phát triển bền vững”, anh Thuận chia sẻ.
Phát triển được kênh xuất khẩu, song thị trường nội địa mới là mục tiêu chính mà FOHLA hướng đến vì tự tin vào kinh nghiệm làm nông nghiệp đúc kết hàng chục năm. Hiện chuối FOHLA đang được bán ở 2 hệ thống siêu thị với chất lượng không thua kém chuối xuất khẩu.
Định giá cao hơn so với mặt bằng chung là một thử nghiệm khá mạo hiểm của FOHLA khi cha con ông Út Huy đang “ôm mộng” định giá lại thị trường này. Theo kỹ sư Thuận, đa phần các loại trái cây trên thị trường đang bị định giá thấp để dễ bán. Song, mức giá này không đủ để duy trì chuỗi giá trị, ép nguồn cung nở ra theo quy mô lớn. Mà muốn thành công với cây chuối hay các loại nông sản khác, đây là điều bắt buộc. Việt Nam hiện có hơn 130.000 ha trồng chuối, sản lượng trung bình 1,4 triệu tấn/năm, nhưng mới là hạt cát trên thị trường chuối toàn cầu trị giá gần 36 tỉ USD. Điều đó cho thấy chặng đường đầu tư bài bản cho loại nông sản này chỉ mới sơ khai.
Một thành tựu khác của ông Út Huy là hướng được 2 người con trai, kỹ sư nông nghiệp Võ Quang Thuận và Võ Xuân Hòa toàn tâm với sản nghiệp gia đình. “Gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ, nông nghiệp đã ăn vào máu của chúng tôi. Với chuối, con đường đi còn dài để Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới”, anh Thuận chia sẻ.
Lan Anh