Sơn Phạm
Trầm Việt loay hoay xuất ngoại
Biểu tượng của thủ đô Vương quốc Oman là bình đốt trầm hương khổng lồ nằm trên ngọn đồi cao nhìn xuống bờ biển ở trung tâm Muscat cổ xưa. Trong khu chợ Muttrah (Muttrah Sour) nằm giữa Muscat cổ, khói trầm hương thơm ngát tỏa ra nghi ngút từ những cửa hàng. Đáng chú ý, nhiều thương gia tại đây đã biết tới các sản phẩm trầm từ Việt Nam trong vài năm gần đây.
Siêu sản vật đi đường tiểu ngạch
Trầm hương là nhựa của cây dó tích tụ lâu ngày, từ xa xưa đã được tôn vinh là “mùi hương của Chúa”. Trên thị trường thế giới, trầm hương nguyên liệu có giá từ vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD một kg. Trên thế giới, chỉ có 10 nước vùng Đông Nam Á và Nam Á trồng được cây dó có nhựa hình thành trầm hương. Đặc biệt, loại trầm hương mang tên Kỳ Nam (hàm lượng dầu trên dưới 80%) có giá đến 2,5 triệu USD/kg. Trong đó, trầm hương tại Khánh Hòa, Việt Nam được các nhà khoa học thế giới đánh giá là tốt nhất thế giới.
Mặc dù được đánh giá cao như vậy nhưng nghịch lý là trầm hương Việt Nam vẫn ít có cơ hội trên thị trường thế giới. Lý do đơn giản là các sản phẩm từ trầm Việt Nam chỉ được xuất bán qua đường tiểu ngạch và xách tay, chất lượng chưa đồng nhất. Riêng đối với các sản phẩm khác như hàng thủ công mỹ nghệ, nhang trầm... vẫn còn tình trạng manh mún hoặc bán sản phẩm không đạt chất lượng, thậm chí có hàng nhái, pha trộn.
Chia sẻ với NCĐT, ông Võ Đào Khanh, Chánh Văn phòng Hội Trầm hương Việt Nam, cho rằng việc mua bán trầm hương Việt Nam lâu nay rất manh mún, thiếu chuyên nghiệp. “Hiện nay, sản phẩm chỉ bán theo đường tiểu ngạch, hầu hết giá trị được định giá dựa trên cảm tính và thỏa thuận giữa hai bên. Giả sử công ty ở Ấn Độ đến xem mẫu và ra giá 20.000USD, nhưng có thể một công ty của quốc gia khác đến thẩm định cùng mẫu nhưng lại ra giá 25.000USD”, ông Khanh cho biết.
Giá trị của trầm hương là ở mùi hương độc đáo, quyến rũ, không thể chế biến nhân tạo được, tốt cho sức khỏe nên trầm được coi là “siêu sản vật”. Theo các chuyên gia, cứ 1 tấn cây trầm chỉ cho ra được 1 lít tinh dầu, trầm hương loại 1 trên thế giới là từ 50.000-200.000 USD/kg. Mặc dù trầm hương vẫn chưa có tên trong danh mục sản phẩm xuất khẩu của quốc gia nhưng nhu cầu vẫn ngày càng gia tăng, còn sản lượng trầm hương tự nhiên lại sụt giảm mạnh. Hiện tại, ngành trầm chỉ phát triển được nhờ vào việc trồng trầm nhân tạo. Riêng ngành hóa mỹ phẩm, mỗi năm nhu cầu khoảng 5.000-7.000 lít tinh dầu trầm hương loại tốt nhưng các doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 100-300 lít tức chỉ khoảng 5% nhu cầu thị trường.
Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), khối lượng trầm hương trên thị trường thế giới từ năm 1995-1997 khoảng 1.350 tấn. Từ những năm 1991 trở về trước, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trầm hương đạt kim ngạch tương đương 10-15 triệu USD. Theo Tạp chí Ogura (Nhật), năm 1987, lượng trầm nước này nhập khẩu từ Việt Nam là 16 tấn, chiếm 50% tổng số lượng trầm nhập khẩu.
Hiện trên thế giới có khoảng 25 loài cây, trong đó có 15 loài có khả năng cho trầm hương. Ở Việt Nam có 3 loài có khả năng cho trầm hương, trong đó phổ biến nhất là cây dó bầu. Theo các chuyên gia trong ngành, diện tích trồng cây dó cả nước từ 15.000-18.500ha. Hai tỉnh có diện tích nhiều nhất, từ 3.000ha trở lên là Hà Tĩnh và Quảng Nam, còn lại là ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang... mỗi tỉnh trên dưới 500ha.
Doanh nghiệp liên kết với người dân để phát triển vùng nguyên liệu nhưng vẫn còn chật vật tìm đầu ra, từ thương hiệu cho đến chất lượng vẫn không đạt giá trị cao. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cây dó trầm trên thế giới rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận và buôn bán trực tiếp với thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, phần lớn phải qua nhiều trung gian.
Thống kê sơ bộ cho thấy, từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh trầm Việt Nam xuất khẩu sang các nước Trung Đông gần 365 lít/năm, giá từ 5.000-15.000 USD/lít; các thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan khoảng 360 lít/năm; nhang trầm 87.000kg/năm... Nhiều doanh nghiệp nỗ lực phát triển các sản phẩm mới như trầm mảnh, trầm cảnh nghệ thuật, hàng thủ công mỹ nghệ hay chuỗi hạt; từng bước hoàn chỉnh sản phẩm trầm giá trị cao như chưng cất tinh dầu trầm...
Rượu quốc tửu nâng tầm trầm việt
“Sản phẩm trầm Việt Nam xuất đi thô, sang nước thứ 2 sản xuất và bên trung gian bán cho nước thứ 3 lại được giá cao hơn”, ông Khanh cho biết. Lý do được ông cho rằng kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam chưa có, việc quản lý chất lượng cũng chưa thực hiện tốt. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Liên Phương, Chủ tịch LP Group, cho rằng, do công nghệ lạc hậu, kém nên sản phẩm trầm còn quá nhiều tạp chất. “Việt Nam chưa có chiến lược cụ thể đối với ngành này. Ngoài ra, công nghệ sản xuất còn kém nên sản phẩm chưa được đúng tầm”, ông Phương nói.
Vấn đề đa dạng hóa sản phẩm trầm hương sẽ không dừng lại ở nhang, tinh dầu, thủ công mỹ nghệ như trước đây. LP từng có kế hoạch tung ra một loại nước hoa đặc biệt, chiết xuất từ trầm hương, giúp người sử dụng tiện lợi hơn, cũng như tạo thế mạnh khác biệt cho sản phẩm trầm hương Việt Nam tại các thị trường như Trung Đông.
Một sản phẩm khác được LP nhắm đến là rượu ngâm từ trầm hương với thị trường chính là Trung Quốc. Chỉ dẫn từ thương hiệu rượu Mao Đài (thị trấn Mao Đài, tỉnh Quý Châu,Trung Quốc), ông Phương nhận định cơ hội để xuất khẩu rượu cao cấp của Việt Nam sau khi được đăng ký “quốc tửu” là rất lớn. “Trong khi nhang, tinh dầu không làm được thương hiệu, thì rượu trầm hương đã được đăng ký quốc tửu để xuất khẩu sẽ giải được nhiều bài toán đầu ra cho người trồng dó bầu”, ông Phương nhận định. Ông cũng khẳng định chính tính chất đặc trưng của trầm Việt Nam sẽ giúp sản phẩm này tiếp cận thị trường nhanh hơn. “Thị trường rượu Mao Đài của Trung Quốc đang có trị giá 73 tỉ USD. Rượu trầm hương Việt Nam nếu làm tốt được thương hiệu cũng mang lại giá trị lớn...”
Đức Tài