Trái phiếu ngân hàng đắt hàng
Có sự chênh lệch rất lớn giữa lượng phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu do ngân hàng phát hành lại càng hiếm hoi hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các ngân hàng đã tăng cường sử dụng công cụ nợ bằng cách phát hành các loại giấy tờ có giá có kỳ hạn, bao gồm cả trái phiếu. Vì sao họ lại trở nên “nhiệt tình” với công cụ nợ này?
Bên cạnh hoạt động tiền gửi quen thuộc, trái phiếu là một trong những loại giấy tờ có giá giúp ngân hàng có thể gọi vốn trong thời gian ngắn (so với việc huy động từ người dân), với mức lãi suất được xác định trước. Từ năm ngoái đến nay, nhiều ngân hàng đã liên tục huy động vốn từ việc phát hành các loại giấy tờ có giá. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, chẳng hạn, năm nay dự kiến phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá 4.000 tỉ đồng, trong khi năm ngoái đã phát hành giấy tờ có giá lên đến 2.000 tỉ đồng. Tương tự, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) gần đây đã thông qua phương án phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kèm chứng quyền, trong khi năm ngoái NCB đã huy động 200 tỉ đồng.
Không chỉ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và NCB, theo thống kê của NCĐT ở 14 ngân hàng thương mại, tổng giá trị giấy tờ có giá mà các ngân hàng này phát hành thêm trong năm 2015 đã tăng gần 85.000 tỉ đồng, tức tăng gấp 2,4 lần so với năm trước đó. Trong số này, đóng góp đáng kể là BIDV và VietinBank, lần lượt tăng hơn 3 lần và 4 lần. Còn ở khối tư nhân, VPBank là ngân hàng có quy mô phát hành giấy tờ có giá lớn nhất, tương đương với VietinBank. VPBank cũng là ngân hàng có truyền thống phát hành trái phiếu từ trước đến nay. Năm nay, quy mô phát hành giấy tờ có giá của VPBank tăng đến 76%. Các ngân hàng tư nhân khác cũng không kém cạnh là HDBank và SHB với quy mô tăng gấp đôi.
Nếu như các ngân hàng là người tham gia chính trong cuộc chơi trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp thì họ cũng mua trái phiếu lẫn nhau. Lấy ví dụ của VietinBank. Nếu như quy mô phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng này tăng gần 4 lần thì quy mô mua chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành cũng đã tăng gấp đôi trong năm ngoái.
Thực ra, các giấy tờ có giá chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ hoặc rất nhỏ trong cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nhưng cũng là những khoản vay quan trọng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao các ngân hàng lại phải đi huy động thêm từ các loại giấy tờ có giá trong khi đang huy động tốt từ dân cư?
Mục tiêu phát hành trái phiếu mà các ngân hàng thường công bố là để bổ sung cho nguồn vốn cấp 2, qua đó gián tiếp góp phần cải thiện chỉ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng đang chịu nhiều áp lực về chỉ số an toàn hoạt động theo Thông tư 09 thay thế cho Thông tư 36, đặc biệt là ở những ngân hàng thí điểm Basel II trong năm sau.
Ví dụ rõ nhất có lẽ là BIDV. Ngân hàng dẫn đầu về quy mô phát hành giấy tờ có giá này gần đây đang ra sức cải thiện chỉ số CAR. Thậm chí, BIDV còn quyết tâm giữ lại phần lợi nhuận từ cổ tức để dành cho việc tăng vốn, trong khi Bộ Tài chính thì ráo riết “đòi”. Tất nhiên, giải pháp này mang tính tình thế, bởi theo quy định tổng giá trị các công cụ nợ mà ngân hàng phát hành chỉ được quy đổi thành 50% vốn cấp 1, tức vốn huy động từ thị trường dân cư.
Trong khi cổ phiếu ngân hàng đang bị “thất sủng”, khiến ngân hàng khó huy động vốn qua sàn thì việc phát hành trái phiếu có thể thu về dòng tiền phục vụ cho mục đích tăng vốn một cách thuận lợi, mà không phải chịu áp lực pha loãng cổ phiếu. Vietcombank gần đây đã quyết định sẽ phát hành trái phiếu để tăng vốn, dù chưa có kế hoạch cụ thể. Trong khi đó, ở khối tư nhân, sử dụng trái phiếu để làm công cụ tăng vốn sớm nhất phải kể đến Techcombank với công cụ trái phiếu chuyển đổi, trong khi NCB dự định phát hành trái phiếu kèm chứng quyền.
Thực ra, thanh khoản ngân hàng hiện không phải là khó khăn vì lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa tăng tốc. Do đó, gọi vốn qua việc phát hành các loại giấy tờ có giá hay từ thị trường dân cư phụ thuộc nhiều vào chiến lược vốn của từng ngân hàng.
Nếu có kế hoạch sử dụng một khoản tiền lớn, việc gọi vốn một lần dường như thuận tiện hơn, vì ngân hàng đã xác định được giá vốn ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu từ sớm mang lại lợi ích lớn, nếu lãi suất đầu vào tại thời điểm phát hành thấp hơn lãi suất đầu vào trong tương lai.
Nhìn ở khía cạnh này, có thể thấy các ngân hàng khá khôn ngoan khi phát hành nhiều vào năm 2015 và trong năm nay, vì lãi suất dường như đã về mức đáy. Kể từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã có hai đợt điều chỉnh lãi suất. Gần đây nhất là cuối tháng 6 và đầu tháng 7 và trước đó vào tháng 3, lãi suất, chủ yếu ở kỳ hạn dài, được điều chỉnh tăng nhẹ. Nhiều ngân hàng cho rằng đây là đợt tái cấu trúc nguồn vốn của ngân hàng, hướng đến kỳ hạn dài hơn.
Từ câu chuyện ngân hàng phát hành trái phiếu có thể nhìn rộng ra vấn đề lãi suất. Theo báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 và dự báo 6 tháng cuối năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng thương mại nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Tại hội thảo gần đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng lãi suất trong những tháng tới sẽ tiếp tục đứng ở mức cao, thậm chí là có xu hướng tăng nhẹ.
Thanh Phong