Trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc
→Công ty chứng khoán gọi vốn qua trái phiếu
Trong lúc các công ty tài chính đang đau đầu trước đà lao dốc của thị trường chứng khoán vào tháng 5 vừa qua, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) lại phấn khởi vì đã tư vấn thành công cho đối tác nước ngoài trong thương vụ phát hành 400 tỉ đồng trái phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX). Đây chỉ là một trong số nhiều đợt phát hành trái phiếu được tổ chức tài chính nước ngoài đảm bảo trong 4 năm trở lại đây, cho thấy sự quan tâm của các định chế nước ngoài đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.
Sự đảm bảo cho những doanh nghiệp lớn
Trước đó, vào tháng 11.2017, Thế Giới Di Động (MWG) đã phát hành thành công 1.135 tỉ đồng trái phiếu thường kỳ hạn 5 năm. Phần lớn người mua là các công ty bảo hiểm tên tuổi tại Việt Nam, trong đó Prudential Việt Nam và Manulife mỗi bên mua 40% và AIA mua 9%.
Là một trong những công ty bán lẻ lớn nhất Việt Nam, chiếm lĩnh mảng phân phối điện thoại di động và thiết bị điện tử, MWG đã có thể gia nhập thị trường trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng rất hạn chế ở Việt Nam. Vị thế của MWG đã giúp họ có được sự bảo lãnh của một định chế tài chính nước ngoài: Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF) - quỹ đầu tư tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Mặc dù sứ mạng của CGIF là để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu ở các nước ASEAN, nhưng không dễ nhận được sự hậu thuẫn của quỹ này. “Thông thường, CGIF chỉ chọn những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, năng lượng và thường rất hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản”, ông Trần Thanh Tân, Giám đốc bộ phận ngân hàng đầu tư thuộc SSV, nhận định.
Điều đó giải thích cho việc MWG và trước đó là Masan Consumer (MCH), vào năm 2014, được CGIF đứng ra bảo lãnh cho những thương vụ phát hành trái phiếu. Thương vụ phát hành trị giá 2.100 tỉ đồng của MCH, một công ty con của Masan Group, vào tháng 12.2014 đánh dấu lần đầu tiên một trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng được phát hành với kỳ hạn 10 năm trong những năm gần đây.
Thương vụ trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh bởi tổ chức nước ngoài lớn nhất, cũng là thương vụ lớn nhất của CGIF tại Việt Nam là đợt phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu Vingroup (VIC) vào năm 2016. Đặc biệt, khoản vay của VIC còn đa dạng về kỳ hạn với thời hạn 5 năm và 10 năm, “để thỏa mãn khẩu vị khác nhau của các nhà đầu tư” như cách nói của CGIF. “Thương vụ này chứng tỏ thị trường trái phiếu tiền đồng có thể là nguồn tài chính thiết yếu với kỳ hạn phù hợp với nhu cầu của những nhà phát triển bất động sản tích hợp như VIC”, ông Kiyoshi Nishimura, CEO của CGIF, phát biểu trong thông báo của quỹ này.
Không tiết lộ về lãi suất trái phiếu và phí bảo lãnh trong thương vụ MCH và VIC, CGIF nhận được mức phí bảo lãnh 1,5% mỗi năm và lãi suất cho trái phiếu 5 năm của MWG là 6,55%/năm. “Những thương vụ này vừa giúp doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn dài hạn với lãi suất tối ưu hơn lãi suất ngân hàng, vừa giúp người mua có được lợi nhuận cao hơn so với các kênh truyền thống như trái phiếu chính phủ”, một chuyên gia trong ngành tài chính (không muốn nêu tên) nhận xét.
Trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ thấp, trái phiếu được bảo lãnh của MWG rõ ràng giúp những tổ chức tài chính có thêm 2-3% mà vẫn có được sự đảm bảo an toàn cần thiết. Ngoài ra, việc chủ động đảm bảo phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ giúp các công ty đầu tư dài hạn trong khi giảm thiểu những rủi ro đi kèm với việc tái cấp vốn, lãi suất và tỉ giá.
Tín hiệu khả quan cho các doanh nghiệp nhỏ hơn
GELEX (GEX) chưa nằm trong danh mục ưa thích của các nhà đầu tư tài chính, cũng không nằm trong nhóm những doanh nghiệp đầu ngành trên sàn chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, việc phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp, dù chỉ ở quy mô bằng 1/3 so với thương vụ MWG gần nhất, vẫn phát đi tín hiệu khả quan cho thị trường. Việc này cũng đánh dấu sự tham gia nhiều hơn của các nhà tư vấn tài chính quốc tế như Shinhan Group vào thị trường trái phiếu Việt Nam sau những thành công ban đầu của CGIF.
Chỉ trong 2 tháng, 400 tỉ đồng giá trị trái phiếu đã được phân phối thành công cho 3 nhà đầu tư, trong đó có 2 nhà đầu tư Hàn Quốc là Shinhan Bank và Hana Bank. Lãi suất trung bình 7,25%/năm cho trái phiếu kỳ hạn ngắn 2 năm là lực hút đối với những tổ chức tài chính nước ngoài này. So với mức 9,2-9,5%/năm của đợt phát hành gần nhất, GELEX rõ ràng đã tiết kiệm một khoản không nhỏ qua việc huy động vốn ngoại này.
Tương tự VIC, GELEX có lẽ là gương mặt quen thuộc trong giới phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trước thương vụ phát hành 400 tỉ trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phiếu STG của công ty con - Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam, trong năm 2017 GELEX đã phát hành thành công 300 tỉ đồng giá trị trái phiếu, được đảm bảo bằng danh mục cổ phiếu CAV mà Công ty sở hữu.
Sau một thời gian dài TechcomSC thống trị, việc SSV gia nhập cuộc chơi đã đánh dấu một bước tiến của thị trường tài chính trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cũng như hợp tác với các định chế tài chính quốc tế. Với lợi thế am hiểu thị hiếu của các nhà đầu tư ở nước sở tại Hàn Quốc, SSV không những mở ra một cánh cửa cho các công ty ở vị thế yếu hơn trong bảng xếp hạng, mà còn đem về một nguồn vốn dồi dào chưa được khai thác cho thị trường.
“Mặc dù trong vài năm gần đây tốc độ tăng trưởng bình quân phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 35%/năm, nhưng dư nợ vẫn ở mức hết sức khiêm tốn, chỉ khoảng 30.000-40.000 tỉ đồng/năm, tương đương trên dưới 6% GDP, trong khi con số này ở các nước khu vực lại lớn hơn rất nhiều, như trung bình 35% ở Malaysia và 70% ở Hàn Quốc”, ông Trần Thanh Tân, thuộc SSV, nhận xét.
Các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trước đây chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhưng dần đã có sự tham gia của các Quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, và phần nào là các nhà đầu tư cá nhân. Đây là sự dịch chuyển tích cực về kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Ông Tân cũng đặt niềm tin vào khung pháp lý ngày càng hoàn thiện và tính minh bạch thị trường vốn ngày càng cao sẽ sớm thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.