Trái phiếu chính phủ và lãi suất DN: Quang gánh hai đầu
Nhà đầu tư chờ đợi lợi suất trái phiếu tăng
Thống kê tháng 9/2015, Sở GDCK Hà Nội tổ chức 34 phiên đấu thầu, huy động được 2.628 tỷ đồng trái phiếu, giảm 66,4% so với tháng 8. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 2.503 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển VN huy động được 125 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm nằm trong khoảng 6,45-6,60%/năm, 10 năm là 6,90%/năm, 15 năm trong khoảng 7,65-7,90%/năm. So với tháng 8, nhìn chung lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm tăng khoảng 0,20%/năm, 10 năm tăng khoảng 0,20%/năm, 15 năm giữ nguyên.
Như vậy, đang có tình trạng lãi suất trúng thầu của trái phiếu kì hạn 5 năm tăng. Và có lẽ đây cũng là cơ sở để bước sang tháng 10, liên tiếp trong ba tuần, trái phiếu Chính phủ kì hạn 5 năm tiếp tục trúng thầu 100% – tính đến 23.10.2015, mặc dù trong ba tuần lãi suất trái phiếu trúng thầu không đổi.
Trong khi đó, theo một thống kê của Chứng khoán Bảo Việt, phiên đấu thầu của Kho bạc Nhà nước với kỳ hạn 10 năm chỉ huy động được 5% giá trị gọi thầu (đạt 50 tỷ đồng) mặc dù lãi suất trúng thầu đã tăng 0,1%. Tỷ lệ trúng thầu dù lãi suất đã tăng – mức tăng không cao cho một kì hạn dài – cho thấy nhà đầu tư không mặn mà với mức lãi suất điều chỉnh thấp, cũng không mặn với trái phiều kỳ hạn dài hơi.
Xu hướng này không phải mới chỉ xuất hiện gần đây. Nếu không, đã không đề xuất cho phép phát hành trái phiếu dưới kì hạn 5 năm, để nhà đầu tư dễ bề bỏ vốn và dễ bề “xoay chuyển”, đặc biệt dễ xoay chuyền và thích ứng với đường con lãi suất – lợi tức mà trái chủ được hưởng tham chiếu trên lãi suất của hệ thống nhà băng.
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành VinaCapital nhận định về kế hoạch phát hành trái phiếu tới đây của chính phủ là với tình hình hiện nay, có khả năng chính phủ sẽ muốn thúc đẩy sớm kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường Quốc tế. Và muốn để thành công, có lẽ lãi suất hiện tại sẽ phải điều chỉnh.
Những yếu tố chi phối lãi suất và gánh nặng cho DN
Trả lời câu hỏi của báo DĐDN là mức điều chỉnh theo ông sẽ khoảng bao nhiêu, và có nghịch lý không khi lạm phát của nền kinh tế đang gần tiệm cận 0? Ông Andy khẳng định điều chỉnh lãi suất gần như là bắt buộc. “Chỉ có điều chỉnh lãi suất, chúng tôi mới thấy đủ sức hấp dẫn và xem xét ra quyết định mua”.
Cũng theo ông Andy Hồ, có một số các yếu tố đang chi phối để lãi suất VN khó có thể không điều chỉnh mà vẫn muốn phát hành trái phiếu. Trong đó, hiện tượng “rập rình” tăng lãi suất của FED khi phải cân đối giữa mong muốn của chính phủ và lạm phát của nước họ. “Lạm phát của Mỹ cần tăng 2% nhưng không có dấu hiệu tăng. VN không có lạm phát vì giá hàng hóa trên thế giới như dầu, sữa đã giảm thấp từ giá cung; khi nhu cầu Trung Quốc giảm rất nhiều (GDP khả năng tăng trưởng dưới 7%) đồng thời vẫn phải tiếp tục sản xuất – giảm giá hàng bán khiến giá thành mọi thứ thấp hơn. Mỹ cũng tương tự khi nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn. Lượng thất nghiệp vẫn cao và công ăn việc làm chưa đủ yên tâm nên khó tăng lãi suất, thậm chí phải qua 2016. Nếu trong trường hợp tăng, giá USD sẽ lên, Trung Quốc sẽ phá giá và VN có khả năng phải đi theo. Lãi suất tiền USD lẫn VNĐ phải từ từ đi lên. Chính phủ VN đang gặp khó khăn về phát hành trái phiếu, phải điều chỉnh lãi suất để thành công”, ông Andy nói.
Cũng theo vị chuyên gia này thì tùy thuộc vào mong muốn phát hành ngay lập tức hoặc không mà chính phủ sẽ “định hướng” lãi suất. Trong khi đó, ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định VN có thể sẽ phát hành trái phiếu Quốc tế ngay trong năm 2015. Có nghĩa, khả năng rục rịch điều chỉnh lãi suất là có thật và một số ngân hàng TMCP mới đây đã đón trước, điều chỉnh lãi suất huy động. Điển hình như Viet Capital Bank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi VND với mức cộng thêm 0,2%/năm vào ngày 21/10. Theo đó, kỳ hạn 7 tháng được hưởng lãi suất 6,5%/năm, kỳ hạn 8 tháng là 6,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 6,7%/năm; lãi suất 6,7%/năm và 6,8%/năm lần lượt dành cho kỳ hạn 10 tháng và 11 tháng. Đặc biệt, với sản phẩm Tiết kiệm 39+ ưu việt (dành riêng cho khách hàng có độ tuổi từ 39 trở lên), lãi suất ở các kỳ hạn 7, 8, 9, 10, 11 cũng được điều chỉnh tăng thêm so với mức lãi suất tiền gửi thông thường,đặc biệt với kỳ hạn 11 tháng lãi suất lên đến 6,9%/năm.
Trước đó, từ ngày 19/10 Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng 0,2%-0,4% lãi suất tiền gửi VND so với ngày 28/9 đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Eximbank và một số các NH cũng thay biểu lãi suất mới…
Có vẻ như nhu cầu huy động vốn, tăng thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vay vốn trên thị trường cuối năm là một trong những lí do khiến các NH điều chỉnh biểu lãi suất. Nhưng vẫn sẽ khá khó hiểu khi lãi suất thực dương của người gửi tiền hiện đã khá cao. Và quan trọng hơn, lãi suất vay của DN ở các kì hạn dài vẫn trên 10% – mức khá cao và nhiều DN vẫn chưa thể “thích nghi” hoặc mạnh dạn vay đầu tư mới.
Nếu để phát hành trái phiếu chính phủ với lượng lớn thành công, mà phải điều chỉnh lãi suất lúc này, liệu có hay không nỗi lo đầu tư Chính phủ đang lấn át vốn đầu tư tư nhân – như điều mà Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc từng cảnh báo. Bởi “không chóng thì chày” khi lãi suất tăng, gánh nặng lãi suất vay cuối cùng cũng sẽ điều chỉnh nặng thêm trên đầu DN.
Nguồn Diễn Đàn Doanh Nghiệp