Trái phiếu chính phủ đứng trước áp lực tăng lợi suất
Tính hấp dẫn của trái phiếu
Theo số liệu thống kê cho biết từ đầu năm 2015 đến nay Kho bạc Nhà nước chỉ mới bán được lượng trái phiếu trị giá 96,47 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD), theo đó hoàn thành 38% kế hoạch đặt ra là 250 nghìn tỷ đồng. Tại cuộc mở bán đấu thầu gần đây nhất vào ngày 23/9 vừa qua, lượng trái phiếu bán ra thậm chí chỉ đạt 12% kế hoạch đặt ra là 3 nghìn tỷ đồng.
Theo số liệu từ sở GDCK Hà Nội, trong năm 2015 chính phủ đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 5-15 năm với lợi tức dao động trong khoảng từ 5,1% đến 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2010 cho đến nay.
Lượng trái phiếu bán ra kể từ đầu năm cho đến nay đang có xu hướng giảm dần khi trong quý I đạt 55,99 nghìn tỷ đồng, nhưng đến quý III chỉ đạt ngưỡng 21,1 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Việt Nam đã tăng 47 điểm cơ bản lên 6,7% từ đầu năm đến nay, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 13% của năm 2011.
Nếu so với một số quốc gia trong khu vực thì tỷ lệ này được đánh giá là khá thấp: lợi tức trái phiếu tại Ấn Độ là 7,72% và Indonesia là 9,55%. Trong khi đó, xếp hạng tín nhiệm của 2 quốc gia này lại cao hơn 4 bậc so với Việt Nam, theo Moody’s Investors Services.
Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định rằng mức lợi tức trái phiếu tương đối thấp mà chính phủ đưa ra tại các cuộc đấu giá trong thời gian qua khiến cho các nhà đầu tư không mấy mặn mà vào kênh đầu tư này. Điều này rất có thể sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt ngân sách Nhà nước.
"Việc bán trái phiếu chính phủ thực sự rất quan trọng đối với nền kinh tế", đó là nhận xét của ông Alan Pham, hiện đang là chuyên gia kinh tế cấp cao của VinaCapital có trụ sở tại Hồ Chí Minh. Ông nói "Một khi việc bán trái phiếu không đạt được như kế hoạch đã đề ra, thì điều này kéo theo thâm hụt ngân sách nhà nước tăng cao hơn, và khi đó chính phủ buộc phải tìm kiếm một giải pháp thay thế để khắc phục vấn đề này".
Một số giải pháp thay thể có thể được Chính phủ cân nhắc đến bao gồm việc đi vay ngoại tệ hay vay tiền từ Ngân hàng nhà nước. Theo như Thứ trưởng Bộ Tài Chính ông Huỳnh Quang Khải cho biết vào ngày 31/7 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi yêu cầu vay 30 nghìn tỷ từ Ngân hàng Nhà nước để giải quyết các vấn đề về hạn chế ngân sách,
Trong một báo cáo vừa mới được công bố vào ngày 11/9, Bộ Tài chính cũng cho biết rất có thể sẽ cắt giảm 10% ngân sách thường xuyên của các bộ và các cơ quan Chính phủ trong năm 2016, đồng thời chi tiêu công cho một số dự án cũng có thể bị cắt giảm 50%.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước mua trái phiếu chính phủ nhiều hơn nhằm giảm thiểu tình trạng thâm hụt ngân sách của nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến hiện là Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.
Liệu lợi tức trái phiếu có được cải thiện nửa cuối năm?
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, áp lực gia tăng từ nhu cầu giải quyết thâm hụt ngân sách có thể khiến mức lợi suất trái phiếu chính phủ được nâng lên trong những đợt chào bán tới. Ngoài ra, mối quan ngại về sự ổn định của thị trường tiền tệ sau đợt phá giá đồng VND gần đây cũng thúc đẩy dự đoán về khả năng tăng lãi suất trái phiếu, nhưng Kho bạc Nhà nước hiện vẫn chưa có động thái gì.
Một số chính sách kinh tế của Việt Nam đã được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với thị trường thế giới và trong nước, trong đó nổi bật là chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua. Đi theo xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực, việc giảm giá đồng nội tệ là thực sự cần thiết. Tiền đồng đã giảm 4,8% so với đồng USD trong năm 2015, trong khi đồng Baht Thái giảm 9,1%, đồng rupiah của Indonesia giảm 16% và đồng ringgit của Malaysia giảm tới 20%.
Ngoài ra, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất cho vay kỳ hạn trung và dài hạn đang dao động trong khoảng 9,3% đến 11%. Theo một con số ước tính khác đưa ra thì cho biết tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 16,5% trong năm nay, cao hơn mục tiêu đề 15% được đề ra trước đó.
“Như vậy lãi suất đã chạm đáy và đang trong đà đi lên do những dấu hiệu về tăng trưởng tín dụng được cải thiện cũng như các biện pháp cần thiết để hỗ trợ tiền đồng được đưa ra”, ông Alan Pham chia sẻ.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng 6,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2015 là 6,2%, cao hơn mức 5,98% năm 2014, và đang hướng đến mức tăng trưởng 6,7% cho năm 2016. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách trong 7 tháng đầu năm 2015 đã đạt 100.700 tỷ đồng, tương đương 45% so với mức mục tiêu của năm 2015.
Theo báo cáo tại hội nghị được tổ chức bởi Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam và BIDV, Việt Nam có thể sẽ phải cần đến khoảng 48 tỷ USD nữa để cung cấp cho các dự án cơ sở hạ tầng trong vòng 5 năm tới.
Còn Ngân hàng Thế giới (WB) thì đưa ra cảnh báo rằng tình hình ngân sách Chính phủ đang nổi lên trở thành tâm điểm chú ý, và việc chi phí trả nợ trái phiếu sẽ ngày càng gia tăng gánh nặng cho hệ thống ngân sách.
"Nếu như tình trạng này tiếp tục tiếp diễn thì việc không hoàn thành được các mục tiêu như đã đề ra ban đầu là rất cao", Trần Kiều Hưng, trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu của BIDV nhận định. Do vậy có rất nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng lợi tức trái phiếu sẽ được nâng lên để tăng tính hấp dẫn cho các đợt chào bán sắp tới.
Tuệ Nghi
Nguồn Bloomberg