Trái phiếu chính phủ “đắt hàng”
Kết quả thành công của các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ là điều đáng mừng cho các đơn vị phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, ở góc khác của thị trường này, trái phiếu doanh nghiệp trở nên yếu thế hơn. Mặt khác, việc sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu với lãi suất không thấp là gánh nợ không hề nhẹ cho ngân sách.
Theo kế hoạch của Kho bạc Nhà nước, tổng lượng trái phiếu Chính phủ dự kiến phát hành năm 2013 là 150.000 tỷ đồng, bao gồm bù đắp bội chi ngân sách 90.000 tỷ đồng, đầu tư các dự án, công trình giao thông thủy lợi... 60.000 tỷ đồng.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết quý 1/2013, đã huy động được 65.450 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 43,6% kế hoạch cả năm. Trong đó, tín phiếu dưới 1 năm đạt 13.992 tỷ đồng; trái phiếu kỳ hạn từ 2-10 năm đạt 51.458 tỷ đồng. Nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ khá lớn với khối lượng dự thầu luôn cao hơn khối lượng gọi thầu từ 1,12 - 5,11 lần, tỷ lệ trúng thầu trong từng phiên đạt từ 90 - 100%.
Kết quả phiên đấu thầu gần đây nhất, ngày 3/4, trái phiếu kỳ hạn 2 năm có 5 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 1.600 tỷ đồng lãi suất trúng thầu 8,80%/năm. Trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất trúng thầu 9,00%/năm. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lãi suất trúng thầu 9,40%/năm.
Đánh giá về sự thành công này, theo Bộ Tài chính, là nhờ ở sự đóng góp của hệ thống ngân hàng với khả năng thanh khoản rất dồi dào do tín dụng không tăng trưởng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cũng tác động đến các nhà đầu tư khi mua trái phiếu Chính phủ. Nhờ đó, diễn biến huy động vốn qua kênh này khá thuận lợi trong thời gian gần đây.
Đồng quan điểm này, theo đánh giá của ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong quý 1 vừa qua, trái phiếu Chính phủ vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các tổ chức tín dụng khi lợi suất ở mức hấp dẫn và rủi ro giảm. Trên thị trường sơ cấp, khối lượng trái phiếu Chính phủ huy động lớn và tỷ lệ đấu thầu thành công cao.
Thanh khoản ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định và mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm theo sát diễn biến của lạm phát mặc dù vẫn chưa như mong đợi của các doanh nghiệp. Lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp và giảm nhẹ so với đầu năm, các lãi suất chủ chốt cũng giảm, lãi suất tái cấp vốn giảm còn 8%, lãi suất tái chiết khấu còn 6% và trần lãi suất tiền gửi giảm còn 7,5%.
Tuy nhiên, ủy ban này khẳng định, vốn tín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa có nhiều cải thiện so với cuối năm ngoái phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Biểu hiện là tính đến ngày 21/3/2013, tín dụng chỉ tăng 0,03% trong khi huy động tăng 3,86% so với 31/12/2012.
Nhận xét về xu hướng này, TS. Vũ Đình ánh cho rằng các ngân hàng chuyển hướng dòng vốn vào đầu tư trái phiếu là dễ hiểu, bởi vì với loại giấy tờ có giá này, khi cần các ngân hàng thương mại có thể thế chấp vay vốn lẫn nhau hoặc tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, tăng trưởng tín dụng chậm, vấn đề nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro lớn là nguyên nhân khiến trái phiếu Chính phủ được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn nếu so với các kênh đầu tư khác là bất động sản, vàng, chứng khoán.
Trong khi đó, nhìn nhận không quá tích cực về sự thành công của các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận xét, trái phiếu Chính phủ trúng thầu lớn, lãi suất cao với đối tượng mua chủ yếu là các ngân hàng thương mại không hẳn là tín hiệu lành mạnh.
Theo đó, việc Chính phủ đẩy mạnh phát hành trái phiếu như hiện nay lại chưa hẳn có lợi cho nền kinh tế. Bởi lẽ, khi Chính phủ tạo ra một kênh thanh khoản an toàn với lãi suất khá cao cho ngân hàng thương mại, các ngân hàng này sẽ thiếu động cơ, thiếu sự thúc bách phải cho vay khu vực tư nhân khi nguồn vốn này dồi dào. Mặt khác, trái phiếu Chính phủ đang chèn lấn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của các ngân hàng.
Tại các nước trong khu vực và trên thế giới, các ngân hàng thương mại thường phát hành trái phiếu định kỳ theo quý hoặc theo năm. Vốn huy động từ trái phiếu là nguồn vốn dài hạn, được các ngân hàng cho vay dài hạn là lành mạnh. Trong khi đó, tại Việt Nam, các ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn.
Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ ở mức cao cũng gây khó khăn cho trái phiếu doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu, để cạnh tranh với trái phiếu Chính phủ hiện ở mức lãi suất 8,8% - 9,4% , thì trái phiếu doanh nghiệp phải có lãi suất cao hơn. “Mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phải vào khoảng 13-15% mới cạnh tranh được, nhưng mức lãi suất này là quá cao đối với khả năng trả nợ của doanh nghiệp”, ông Hải bình luận.
Vì lý do này, ông Hải đề xuất nên giảm phát hành trái phiếu Chính phủ để trái phiếu doanh nghiệp có thể cạnh tranh được. Một khi trái phiếu Chính phủ giảm nguồn cung, thì theo quy luật cung cầu, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng có thể giảm xuống.
Nhờ đó, trái phiếu doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh tốt hơn. ở một khía cạnh khác, khi nguồn cung trái phiếu trên thị trường bị thu hẹp, các ngân hàng sẽ có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư khác, chẳng hạn cấp vốn cho các dự án đầu tư có chất lượng của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hải, việc giảm huy động trái phiếu cần được xem xét cùng lúc với cách sử dụng nguồn tiền vay này. Theo đó, nên xem xét lại việc đầu tư công, đầu tư vào các dự án không hiệu quả và giảm bộ máy hành chính.
“Những dự án nào doanh nghiệp làm được thì nên để doanh nghiệp làm, để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thay vì Nhà nước đi vay”, ông Hải nói. Đây cũng là một cách giúp giảm thâm hụt ngân sách.
(Theo TNKTVN)