Trái cây Việt tìm thị trường ở đâu?
Từ lâu, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam đạt trên 2,5 tỉ USD, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm hơn 70%.
“Điều đó là dễ hiểu vì đây là thị trường có dân số lớn với sức tiêu thụ mạnh nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, chia sẻ. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do, tình hình có thể sẽ thay đổi vì ngày càng nhiều doanh nghiệp đang chuyển trọng tâm sang các thị trường lớn khác như Âu, Mỹ.
“Trong 5 năm tới, Mỹ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường chính của Vinamit”, ông Viên dự báo. Bởi vì, Mỹ hiện là một trong những thị trường nhập khẩu lớn của thế giới, với dân số trên 317 triệu người, thu nhập bình quân đầu người cao, trên 55.000USD (năm 2015) và có nhu cầu tiêu dùng cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng tại các quốc gia này đang có xu hướng chuộng các mặt hàng trái cây hữu cơ nhiệt đới.
Xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm vào Mỹ mới chỉ đạt 74 triệu USD, tương đương với 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, do đó dư địa để nông sản Việt Nam phát triển tại thị trường này còn rất lớn. Ông Viên chia sẻ thêm, vào những năm 1995, Vinamit từng thử gõ cửa thị trường Mỹ nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, trong lần trở lại này, các sản phẩm của Công ty đã được cấp chứng nhận Canh tác hữu cơ, Chế biến hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, 81 mặt hàng được phía Mỹ chấp thuận sẽ được Công ty kinh doanh tại thị trường này.
“Sau khi nhận được chứng nhận hữu cơ, số lượng đơn hàng của chúng tôi đã tăng tới 20 lần”, ông Viên vui mừng thông báo. Hiện nay, mỗi tháng, Công ty xuất khoảng 10 container các mặt hàng rau, củ, quả chế biến sang Mỹ. Dự kiến, trong tương lai, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu có thể vượt qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Công ty sẽ bỏ rơi thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Công ty vẫn đang xuất khoảng 50 container 40 feet các mặt hàng rau, củ, quả qua chế biến cho thị trường tỉ dân này, đồng thời mở cửa văn phòng đại diện tại đây.
Theo ông Viên, mở rộng thị trường tiêu thụ còn là cách để tìm kiếm thị trường phù hợp cho từng loại rau quả khác nhau. Ví dụ, sản phẩm chế biến từ hành tây và ca cao Bến Tre đang được khách hàng tại Mỹ ưa chuộng. Do đó, giá của các sản phẩm này tại Mỹ cao hơn so với thị trường Trung Quốc. Ngược lại, sản phẩm mít và xoài dẻo lại được lòng khách hàng Trung Quốc hơn nên giá ở Trung Quốc cao hơn. Vì vậy, theo ông Viên, với nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước, việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, đồng thời nắm bắt được thị hiếu của từng thị trường để có phương hướng kinh doanh phù hợp sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn.
Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp chế biến rau, củ, quả chú trọng vào thị trường Âu, Mỹ còn nằm ở mức giá bán khá tốt, đem lại phần giá trị gia tăng cao. Chẳng hạn, hành tây sấy 30gr, gói xoài chocolate 100gr của Vinamit hiện được bán với giá lần lượt là 20.000 đồng và 46.000 đồng tại Việt Nam nhưng có thể bán 16USD (khoảng 352.000 đồng) tại Mỹ. Mỗi tháng Vinamit xuất sang Mỹ khoảng 5 tấn xoài chocolate; còn hành tây hiện không đủ để cung cấp cho thị trường này.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng và nhất là vào dịp Tết, số lượng đơn hàng có thể tăng gấp 4 lần, Công ty mỗi năm đều đầu tư 10-20 tỉ đồng để nâng cấp dây chuyền chế biến. Trong tương lai, theo chia sẻ của ông Viên, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 10 triệu USD nhằm nâng công suất chế biến hiện tại của nhà máy từ 20 tấn lên 30 tấn/ngày.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, rau quả đang trở thành mặt hàng chủ lực của xuất khẩu nông sản khi tiếp tục giữ đà tăng trưởng và còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới với hơn 40 thị trường trên thế giới. Đà tăng trưởng tốt này nhờ rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã có chất lượng tốt từ khâu sản xuất đến chế biến, đặc biệt là nhiều sản phẩm đã thông quan tại những thị trường khó tính lâu nay như Nhật, Mỹ, Úc... Vì vậy, thành công này tạo tiền đề cho doanh nghiệp chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Để tiếp tục tạo lợi thế cho rau quả của Việt Nam, ngoài vùng nguyên liệu, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy, trung tâm chế biến cũng cần chú trọng hơn nữa theo hướng sử dụng các thiết bị hiện đại cho sản phẩm đồ hộp, chế biến nước quả, nước quả cô đặc, chế biến đông lạnh và sấy khô...
Việt Nam bước đầu tìm được lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm rau củ, trái cây chế biến. Ảnh: Sơn Phạm |
Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Bắc Giang ngay từ những ngày đầu đã định vị các thị trường lớn như Pháp, Mỹ làm thị trường chiến lược. Hiện nay, Công ty đang cung cấp các sản phẩm rau củ quả tươi và đóng hộp cho hơn 10 thị trường lớn khác nhau như Nhật, Mỹ, Úc, Pháp, Thụy Sĩ và Đức... Trong đó, khách hàng lớn có thể kể đến các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Dollar General (Mỹ), Migros Corp (Thụy Sĩ), Aldi Germany, Toyota Tsusho, Kobe Bussan (Nhật), Samsung Everland, Ottogi, Ourhome (Hàn Quốc). Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa có kế hoạch phát triển thị trường Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty, nguyên nhân là do các mặt hàng của Bắc Giang chưa tìm được thị trường ổn định tại Trung Quốc. Trong khi đó, tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, sản phẩm trái cây nhiệt đới như vải thiều, dứa đông lạnh của Việt Nam đang rất được ưa chuộng. Trong những năm gần đây, một kg vải thiều được bán với giá 9,9EUR tại Pháp (240.000 đồng), tại Úc khoảng 15AUD (250.000 đồng). Ông Tuấn cho biết, 80% sản phẩm rau củ quả chế biến của Công ty được xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 120 tỉ đồng.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, Công ty đang trong quá trình hoàn thiện nhà máy chế biến thứ 2 tại Phú Thọ, với các trang thiết bị hiện đại và hệ thống nhà xưởng lên đến 72.000m2 nhằm phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm đông lạnh, đóng hộp và sấy khô với công suất gấp đôi nhà máy hiện tại ở Bắc Giang. Hiện nay, nhà máy này có khả năng sản xuất 2.000 container mỗi năm với 5 dây chuyền sản xuất. Các sản phẩm chính bao gồm rau củ quả dầm dấm, ngô ngọt, ớt ngọt, ớt Pepperoncini, các loại tiêu đen, xanh, rau củ quả hỗn hợp và sản phẩm giá trị gia tăng từ các loại trái cây nhiệt đới như vải, dứa, đu đủ... Công ty đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt của các chứng chỉ an toàn hàng đầu thế giới như FDA, IFS, BRC, BSCI, ISO 22000, KOSHER, WCA, GSV..., bước đầu tạo nền móng vững chắc trong việc kinh doanh tại các thị trường lớn tại châu Âu và châu Mỹ.
Bên cạnh các thị trường nước ngoài, sản phẩm của Bắc Giang cũng đã có mặt tại các chuỗi cửa hàng và siêu thị bán lẻ lớn của Việt Nam như Subway, Lotteria, Vietnam Airlines, Saigon Co.opmart, Kmart, Burger King... Tuy nhiên, số lượng không nhiều chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng chế biến của Công ty. Trong thời gian tới, Công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh năng lực chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm với mục tiêu trở thành một trong các nhà sản xuất lớn trong ngành chế biến rau, củ quả và gia vị của Việt Nam
Phúc Thịnh