Ảnh: QH
Trái cây Việt “được mùa” xuất khẩu
Sầu riêng “cháy hàng” tại Australia
7 tấn sầu riêng nguyên quả đông lạnh của Việt Nam đã bán hết sạch chỉ trong vài ngày có mặt tại siêu thị Australia. Các công ty nhập khẩu đang chuẩn bị nhập khẩu thêm vì nhận thấy nhu cầu rất lớn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia (thuộc Bộ Công Thương) nhận định thị trường sầu riêng tại Australia trị giá hàng triệu USD. Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là rất lớn. Người gốc Á tại Australia thưởng thức sầu riêng đông lạnh quanh năm. Người gốc Tây phương cũng bắt đầu trải nghiệm do các chiến lược quảng bá sầu riêng của nhiều quốc gia gây hiếu kỳ.
Ngay từ đầu năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Australia phối hợp với Công ty ASEAN tổ chức tuần lễ sầu riêng Việt Nam tại Australia tại 3 khu vực đông người gốc Á là: Marrickville, Eastwood và Cabramatta.
Theo Bộ Công Thương, sầu riêng là nông sản có giá trị cao, năng lực sản xuất sầu riêng của Việt Nam ngày càng gia tăng. Từ năm 2019, do dự báo thị trường xuất khẩu sầu riêng sẽ gặp nhiều thách thức, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã nhận được chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng cũng như các mặt hàng nông sản khác để khẳng định chất lượng, xây dựng danh tiếng.
Qua khảo sát cho thấy sầu riêng có đặc trưng là phù hợp tiêu dùng đông lạnh, vận chuyển lại rất thuận lợi. Điều quan trọng, trong khi sầu riêng tươi Việt Nam chưa được Australia cho nhập khẩu thì sầu riêng đông lạnh hoàn toàn có thể thay thế được.
Ngoài sầu riêng Việt Nam, từ nhiều năm nay, sầu riêng Thái Lan và Malaysia chiếm lĩnh thị trường Australia. Tuy vậy khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng đã mở thêm cơ hội cho sầu riêng Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường "khó tính" này.
Thực tế, từ trước đến nay, trái cây Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng từ thời điểm dịch bệnh xảy ra, sản lượng xuất khẩu trái cây sang thị trường này sụt giảm nhiều.
6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,76 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: QH |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,76 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm đạt 1,04 tỉ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường khác lại tăng rất mạnh.
Cụ thể, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2%; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 9,8%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng 13,1%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%. Tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường này chiếm 40,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, nhưng vẫn thấp hơn tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sau thời gian dài trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều trái cây của Việt Nam vào được các thị trường khó tính châu Á và châu Âu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, châu Âu, Mỹ, Australia… Cụ thể, trái vải của Việt Nam đã vào được thị trường Nhật Bản, Singapore; chuối vào siêu thị Hàn Quốc, xoài, ổi vào Mỹ; vải, xoài, Thanh Long, nhãn vào Australia…
Cục BVTV đang xúc tiến mở cửa thị trường Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Đài Loan đối với trái bưởi. Ảnh: QH |
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN-PTNT), cho biết sau trái vải vào được Nhật Bản, Cục BVTV đang xúc tiến mở cửa thị trường Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Đài Loan đối với trái bưởi. Trái chanh leo được xúc tiến vào Australia, New Zealand hoặc thị trường Ấn Độ, Chile, Đài Loan... đón nhận trái chôm chôm.
Những chuỗi ngày đàm phán “miệt mài”
Hiện trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc, EU… nhiều trái cây mất thời gian đàm phán rất dài, mất nhiều thời gian đàm phán nhất để được xét lọt vào các thị trường khó tính, có thể kể đến quả vải tươi vào thị trường Australia mất 12 năm, xoài vào thị trường Mỹ mất 10 năm, nhiều trái cấy khác mất 5-6 năm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T (xuất khẩu trái cây), cho biết đến nay có khoảng 10 loại trái cây Việt (thanh long đỏ, thanh long trắng, xoài, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dừa, sầu riêng) được chấp nhận vào các thị trường khó tính.
Theo nhận xét của Bộ Công Thương, “Mức tăng mạnh từ các thị trường trên vẫn chưa bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan khi thị trường xuất khẩu truyền thống đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam là Trung Quốc đang giảm nhập khẩu mặt hàng này”.
Đối với mặt hàng xoài, ổi, măng cụt, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 302 tấn, trị giá 850.000 USD, tăng gần 1,8 lần về lượng và trị giá. Tính ra, giá nhập khẩu bình quân chủng loại quả này đạt 2.812,2 USD/tấn.
"Việc Mỹ tăng nhập khẩu xoài, ổi và măng cụt của Việt Nam cho thấy chủng loại quả này đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu xoài, ổi, măng cụt vào Mỹ trong thời gian tới, do tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn quá thấp”, Bộ Công Thương nhận định.
Đánh giá về những thị trường nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương chia sẻ tại hội thảo, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả của Thái Lan rất lớn để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến, trong đó Việt Nam là thị trường rau quả mà Thái Lan đang rất quan tâm.
Đối với thị trường châu Âu (EU), đây là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển.
Có thể bạn quan tâm: