TPP: “Thức thời” như khối FDI
Từ dệt may đến gạo, tôm, cá
TS Trần Tiến Cường, nguyên Quyền Trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM): XK dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 50% nhưng NK nguyên phụ liệu của Việt Nam chiếm 86,7% (năm 2012) nhưng chủ yếu từ Trung Quốc (trong khi Trung Quốc chưa tham gia TPP). Vì vậy, vượt qua quy tắc xuất xứ của TPP là thách thức rất lớn đối với hàng dệt may. Thêm nữa, trong chuỗi giá trị bông/xơ, vải, sợi, nhuộm, hoàn tất, cắt, may, Việt Nam chỉ có lợi thế ở khâu cắt, may. Các khâu còn lại là thách thức đối với các DN. Nhưng, chính thách thức ở các khâu còn yếu của chuỗi giá trị lại thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khâu này (bông/xơ, vải, sợi, nhuộm/hoàn tất), chuyển thách thức thành cơ hội cho DN dệt may tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Một dẫn chứng khác cũng trong ngành dệt may là dự án của Tập đoàn Texhong. Sau đúng 1 năm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, đầu tháng 7-2013, Tập đoàn này đã chính thức khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất sợi tại khu công nghiệp Hải Yên (Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD và khởi công giai đoạn 2 của dự án.
Không ngẫu nhiên, chủ đầu tư các dự án sản xuất sợi, nhuộm lại đồng loạt bày tỏ ý định đầu tư sâu rộng ở Việt Nam. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Việc có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào sợi, nhuộm... ở Việt Nam là dấu hiệu cho thấy các DN FDI đang chờ đón TPP. Họ đang muốn hạn chế việc nhập nguyên liệu sợi từ nước ngoài phục vụ cho ngành dệt may trong nước.
Các DN FDI cũng không phải tự nhiên tỏ ra sốt sắng với việc xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may Việt Nam. Bởi lẽ, theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa đang được 12 nước tham gia TPP đàm phán, đặc biệt là Mỹ, thì các sản phẩm như dệt may, da giày XK sẽ chỉ được hưởng thuế suất 0% khi 70% nguyên phụ liệu được sản xuất tại các quốc gia thành viên TPP. Trong khi hiện tại, theo TS Lê Đăng Doanh, 65% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may lại được các DN NK từ Trung Quốc - quốc gia hiện đứng ngoài cuộc chơi TPP. TS Lê Đăng Doanh chia sẻ: Người Mỹ nói rất lịch sự rằng người Việt Nam rất tốt bụng. Người Việt lái ô tô sang Mỹ nhưng trên xe có 10 người thì 3 người Việt Nam, còn lại là 7 người Trung Quốc. Điều đó ám chỉ Việt Nam đang XK hộ cho Trung Quốc và Mỹ không muốn điều đó.
Không chỉ với ngành dệt may, nhiều ngành hàng khác đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút đầu tư, kể cả nông sản. Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, tại hội nghị đàm phán TPP tổ chức gần đây ở Singapore, đột nhiên Nhật Bản lại không muốn mở cửa hoàn toàn nông nghiệp nước này. Họ phản đối việc NK thịt bò Mỹ để bảo vệ cho thịt bò Kobe. Nhưng Nhật Bản không chống đối sản phẩm của Việt Nam. Họ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều DN Nhật Bản nói rằng họ muốn có một nền nông nghiệp cộng sinh với Việt Nam. Nhật Bản sẽ đầu tư vào Việt Nam để sản xuất gạo, tôm, cá... XK sang Nhật với thuế suất 0%.
Cơ hội để hút đầu tư FDI
Tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên (VBF) 2013, ông Steven Winkelman, Chủ tịch AmCham đã bày tỏ tin tưởng TPP sẽ giúp hút đầu tư vào Việt Nam. Ông Stevan Winkelman nói: 12 quốc gia hiện đang đàm phán TPP có tổng dân số là 800 triệu người, chiếm 1/3 giá trị thương mại thế giới và gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Quan trọng hơn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong số các quốc gia đang đàm phán ký kết Hiệp định này, tiềm năng tăng trưởng về XK và GDP có thể sẽ cao hơn nhiều so với các quốc gia đối tác khác. Nếu Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ lợi thế của mình, TPP sẽ tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân xâm nhập mạnh hơn vào các thị trường trọng điểm, kích thích cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu, qua đó tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các DN Việt Nam cũng như công ăn việc làm và thu nhập cao hơn cho người lao động.
"Việc Việt Nam tham gia vào TPP cũng rất quan trọng đối với cộng đồng DN Hoa kỳ bởi nó sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và duy trì vị thế của Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và đầy sức cạnh tranh đối với đầu tư nước ngoài" - ông Steven Winkelman nhấn mạnh.
Khi điểm mặt những thuận lợi trong thu hút đầu tư 2014-2015, trong một báo cáo đánh giá về kinh tế Việt Nam hai năm tới, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhận định: Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới cũng như khả năng thu hút đầu tư cao hơn với triển vọng TPP được kí kết trong năm 2015.
Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt. TPP giúp Việt Nam tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư ngày càng khan hiếm. Nhưng TPP không chỉ có màu hồng. Bởi lẽ cùng với những thuận lợi trên thì thách thức đặt ra cho các ngành, nghề và DN trong nước là không nhỏ. Nếu các DN trong nước không biết tận dụng cơ hội từ TPP hoặc "chậm chân", việc DN FDI giữ vị trí áp đảo trong việc sản xuất hàng XK nhằm tối đa hóa cơ hội từ TPP sẽ khiến miếng bánh cho DN trong nước "teo tóp" đi nhiều.
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp