TPP: Thời điểm để đầu tư vào Vietnam ETF?
Những thỏa thuận tự do thương mại được ký kết gần đây đang mở ra một cánh cửa mới cho Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) về cơ bản đã được thông qua sau gần 5 năm đàm phán căng thẳng giữa các nước thành viên. Điều này sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận một sân chơi rộng lớn, vốn chiếm tới 40% GDP và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.
TPP hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, may mặc, giày dép và thủy sản tiếp cận vào những thị trường như Mỹ, Nhật Bản và Canada do các hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định TPP sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD trong năm 2020 và tăng 33,5 tỷ USD trong năm 2025. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD trong năm 2025.
Xét về dài hạn, TPP cũng sẽ giúp cho cán cân thương mại của Việt Nam ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn so với thời điểm hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục thống kê cho biết trong 9 tháng đầu năm Trung Quốc vẫn đang là đối tác chính của Việt Nam khi kim ngạch thương mại đạt gần 50 tỷ USD.
Gần đây, cả hai tổ chức kinh tế là Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB cũng đều đưa ra những đánh giá tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, IMF đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Cơ quan này cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và lạm phát ở mức thấp. Còn WB thì vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,2%.
Định hướng của ETF
Hiệp định TPP cũng như những triển vọng khả quan của nền kinh tế đã khiến cho nhiều nhà đầu tư để ý tới quỹ ETF duy nhất đang tập trung đầu tư vào Việt Nam: Market Vectors Vietnam ETF (VNM). Hiện nay, quỹ này đang dồn tới gần 80% số vốn của họ vào Việt Nam.
Được biết, mô hình đầu tư của VNM là dựa theo chỉ số Market Vectors Vietnam Index, bao gồm 25 công ty hàng đầu có ít nhất 50% doanh thu đến từ thị trường Việt Nam như Vingroup, CP Foods, Hansae...
Hiện tại, VNM đang nắm 32 cổ phiếu, trong đó hầu hết các cổ phiếu thuộc nhóm ngành tài chính, chiếm đến 44% trong rổ chứng khoán. Tiếp đến là ngành năng lượng (16,3%) và hàng tiêu dùng (14%).
Trong rổ chứng khoán mà VNM đang nắm giữ, 3 cổ phiếu giữ vị trí quan trọng nhất là của Vincom, Vietcombank và Sacombank.
Tính đến nay, tổng tài sản lũy kế của Quỹ VNM đã chạm mốc 425 triệu USD, khối lượng giao dịch đạt 450.000 cổ phiếu/mỗi ngày. Lợi nhuận mà họ thu được trong tháng trước là 8%.
Đinh Hạnh