TPP: Nút thắt gần như đã mở
Sau một thời gian dài chờ đợi, các quốc gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có thể nhẹ nhõm phần nào khi mới đây, cơ chế đàm phán nhanh (TPA) đã được Ủy ban Tài chính Thượng Viện, Ủy ban Chính sách và Tài chính Hạ viện Mỹ gật đầu đồng ý. Cơ chế TPA này sẽ được trình rộng rãi hơn đến toàn bộ Quốc hội Mỹ trong những tuần tới để tiếp tục điều chỉnh và thông qua. Vậy TPA là gì và tác động của nó ra sao?
Theo quy định, TPA là cơ chế sẽ cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama (và các đời tổng thống kế tiếp) được toàn quyền tiến hành đàm phán thương mại với các quốc gia khác. Sau đó, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền bỏ phiếu để chấp nhận hay không chấp nhận các điều khoản đã thỏa thuận, chứ không được yêu cầu sửa đổi nội dung. Nhờ đó, các quốc gia khác sẽ yên tâm hơn khi “chơi” với người Mỹ vì không phải lo những điều khoản đã thỏa thuận sẽ bị thay đổi.
Dĩ nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người Mỹ và cả quyền lực kiểm soát của mình, Quốc hội Mỹ trước hết cũng sẽ đặt ra các quy định căn bản buộc Chính phủ phải tuân thủ, thiết lập các mục tiêu và ưu tiên hàng đầu mà các nhà đàm phán của nước Mỹ phải đảm bảo không được sai lệch. Thậm chí, một số các quy định này được xem là khá ngặt nghèo và buộc Chính phủ Mỹ phải tìm cách thỏa thuận lại với các thành viên Quốc hội trước khi mang đi đàm phán với các quốc gia khác.
Kể từ khi ra đời vào năm 1974, TPA đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và khẳng định vai trò đầu tàu của Mỹ trong nền kinh tế thế giới. Nhưng việc cơ chế này kết thúc thời hạn hoạt động vào năm 2007 được cho là một nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ đứng ngoài các hoạt động thương mại của thế giới trong thế kỷ XXI, trong khi các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, đã từng bước tiến lên vị trí dẫn dắt và định hình cuộc chơi trên toàn cầu. Do đó, việc cơ chế TPA đạt những bước tiến lớn sẽ giúp người Mỹ lấy lại “phong độ”. Không chỉ vậy, còn ảnh hưởng tích cực đến các quốc gia khác có quan hệ thương mại với Mỹ thông qua việc mở đường cho các hiệp định quan trọng được ký kết.
Ngoài TPP, một hiệp định lớn khác là Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ với các quốc gia châu Âu cũng sẽ nhận được tác động tích cực từ việc thông qua cơ chế TPA. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ hai hiệp định này cũng đã bao trùm thị trường của 1,3 tỉ người và chiếm tới 60% GDP toàn cầu.
Nhưng nội dung TPA năm 2015 đang gặp một số vướng mắc nhất định do tham vọng quá lớn của các nghị sĩ Mỹ, có thể gây khó khăn cho các đối tác. Theo tờ New York Times, TPA hiện thời đang đặt ra yêu cầu giới hạn thương mại đối với các quốc gia thao túng tiền tệ, vốn có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Mỹ. TPA cũng yêu cầu giới hạn nhập khẩu các sản phẩm tận dụng sức lao động của trẻ em - một vấn đề thường bắt gặp ở nhiều quốc gia đang phát triển.
Những yêu cầu này thực sự đang gây đau đầu cho chính quyền Tổng thống Obama. Bởi lẽ, trong khi e ngại các quốc gia khác sử dụng công cụ tiền tệ để đạt lợi thế xuất khẩu thì Mỹ cũng đang đối mặt với những cáo buộc liên quan đến việc chủ động hạ giá USD trong các năm qua. Hiện điều khoản này đang được cân nhắc sửa lại cho phù hợp hơn.
Phía Mỹ cũng yêu cầu ngừng xem xét các thỏa thuận thương mại với bất kỳ quốc gia nào vi phạm luật lệ cấm buôn bán người. Yêu cầu này có thể khiến Malaysia, thành viên tham gia đàm phán TPP, cảm thấy bất an vì quốc gia này đang nằm trong danh sách cảnh báo của Liên hiệp Quốc về nạn buôn bán người bất hợp pháp đối với các dân tộc thiểu số. “Việc giới hạn thỏa thuận với các quốc gia như Malaysia sẽ loại bỏ cơ hội để thúc ép họ cải thiện thực trạng”, một đại diện của chính quyền của Obama lo ngại.
Một điều khoản gây tranh cãi khác là Mỹ sẽ ngăn cấm các quốc gia khác tẩy chay hay cấm vận đối với đồng minh Israel, vốn có thể khiến một số quốc gia theo đạo Hồi không hài lòng.
Cơ chế TPA 2015 cũng yêu cầu Tổng thống Obama phải công bố các nội dung đàm phán để công chúng được biết ít nhất 2 tháng trước khi ký, trong khi Quốc hội Mỹ sẽ phải mất tới 4 tháng để xem xét trước khi bỏ phiếu thông qua. Thời gian xem xét quá dài của Quốc hội có thể khiến Hiệp định TPP chỉ được thông qua trong nhiệm kỳ của Tổng thống mới.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh nội dung của TPA 2015 với một số điều khoản cần thêm thời gian thảo luận để điều chỉnh cho phù hợp, nhưng có thể thấy Hiệp định TPP đã nhận được một cú hích quan trọng để có thể kết thúc đàm phán ngay trong năm nay.
Chính vì lẽ đó, cộng đồng doanh nghiệp đã rất phấn khởi về TPA. “TPA là một cột mốc quan trọng đối với tăng trưởng của kinh tế Mỹ và sẽ giúp các doanh nghiệp lớn và nhỏ tạo ra cơ hội việc làm cho lao động Mỹ ”, tập đoàn công nghệ Intel nhận xét. Một tập đoàn khác có doanh thu hàng chục tỉ USD mỗi năm là Gap Inc (hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh quần áo và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân) thì cho rằng nếu các thỏa thuận thương mại được thông qua, hơn 110.000 nhân viên của Tập đoàn ở Mỹ sẽ được hưởng lợi.
Sự hồ hởi của Intel và Gap cũng là điều dễ hiểu. Mỹ có lợi thế xuất khẩu từ lĩnh vực nông nghiệp cho đến công nghệ cao với 95% thị trường tiêu thụ là ở nước ngoài. Theo nghiên cứu của Tổ chức Bàn tròn Doanh nghiệp (Business Roundtable), các hiệp định thương mại với thế giới sẽ hỗ trợ về việc làm cho hơn 38,1 triệu người Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, viễn cảnh TPP được ký kết trong năm nay đang mang lại những động lực kinh doanh mới. Một ví dụ là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Đại hội cổ đông mới đây của Tập đoàn Tân Tạo đã thông qua kế hoạch tham vọng cho năm nay. Theo đó, doanh thu lên tới 1.588 tỉ đồng, gấp gần 3 lần so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỉ đồng, gấp 3,5 lần. Lý do là Tập đoàn nhìn thấy cơ hội lớn thu hút nhà đầu tư thế giới vào các khu công nghiệp để đón đầu làn sóng TPP.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) mới đây cũng đã mua lại Khu Công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương) rộng 150 ha, nâng tổng số khu công nghiệp đang quản lý lên con số 6. Chưa dừng lại ở đó, VSIP đang tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư ở Nghệ An và Bình Định
Nguồn NCDT