TPP: Ngành nào có cơ hội, ngành nào chịu thách thức?
Thị trường chứng khoán ngày 6.10.2015 đã có một phiên giao dịch hưng phấn. Sắc xanh bao trùm toàn thị trường khi chỉ số VN-Index tăng hơn 11 điểm (tương ứng với 1,98%). Tại các sàn giao dịch và quán cà phê trên đường Nguyễn Công Trứ, TP.HCM, nơi được ví von là “phố Wall của Việt Nam”, nhiều nhà đầu tư sôi nổi thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới kết thúc đàm phán đêm hôm trước. Trong hiệp định đó, Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất.
TPP là một hiệp định thương mại quan trọng nhất ở đầu thế kỷ XXI. Với những tiêu chuẩn cao cấp hơn, khắt khe hơn về giao dịch thương mại và đầu tư so với WTO, TPP dự kiến sẽ là trở thành hình mẫu để các hiệp định thương mại tự do ở những khu vực khác noi theo, tạo động cơ mới thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế thế giới.
Đối với Việt Nam, TPP được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi to lớn cả về phương diện kinh tế lẫn xã hội. Nhưng liệu rằng hiệp định này có thể giúp Việt Nam trở thành “con hổ mới” của châu Á?
Nông nghiệp, bất động sản hưởng lợi
Thật trùng hợp, thời điểm TPP kết thúc đàm phán cũng đúng vào kịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Nhắc lại điều này để thấy Việt Nam đang dần trở thành một đối tác toàn diện, tin cậy của xứ sở cờ hoa, khi 2 quốc gia cùng chia sẻ những lợi ích chung về kinh tế và địa chính trị.
TPP rõ ràng sẽ mở cửa rộng hơn đối với xuất khẩu, đặc biệt là khi nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi vững chắc. Trong 9 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 24,9 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Việc đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bởi rủi ro ở thị trường này đang càng lớn dần do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trung Quốc không tham gia TPP là tin tốt đối với Việt Nam. Bấy lâu nay, Việt Nam và Trung Quốc cùng cạnh tranh nhau ở phân khúc sản phẩm cấp thấp, thâm dụng lao động. Sự vắng mặt của Trung Quốc, cũng như thuế suất giảm, sẽ khiến hàng hóa Việt Nam có cơ hội chiếm được thị phần cao hơn tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Úc, Canada hay Nhật.
Quy mô GDP của các nước thành viên TPP |
Nông nghiệp được dự đoán sẽ trở thành một trong những ngành hưởng lợi trực tiếp từ TPP, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như gạo, trái cây, thủy hải sản, khi thuế nhập khẩu giảm xuống gần như bằng 0%. Hiện tôm, mực, cá ngừ của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ vẫn đang chịu thuế suất trung bình 6,4-7,2%.
Tất nhiên, để có thể xâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ và Nhật, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh... mà các quốc gia này dự kiến sẽ dựng lên, nếu họ cảm thấy hàng nhập khẩu đe dọa quá lớn đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp nội địa.
Dù vậy, viễn cảnh tươi sáng hơn của nông nghiệp có thể sẽ chưa mang lại những tác động lớn cho tổng thể nền kinh tế. Trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 16% (tính trong 9 tháng đầu năm 2015), tức là khu vực này chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Vì vậy, để Việt Nam thật sự hưởng lợi từ sự bùng nổ nông nghiệp, sẽ cần những kế hoạch tái cấu trúc thực sự sâu rộng hơn cho ngành. Việc này sẽ không dễ xảy ra một sớm một chiều.
Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ dự kiến sẽ là khu vực mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, vì đang là những mảng đóng góp lớn nhất vào GDP Việt Nam hiện nay.
Thực tế, để đáp ứng những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ trong TPP đối với các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ...nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đổ xô vào Việt Nam. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 17 tỉ USD, tăng đến 55% so với cùng kỳ năm trước. Sôi động nhất phải kể đến là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Thậm chí, các doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ cũng muốn lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam để hưởng lợi.
Bất động sản cũng được dự đoán sẽ nhận cú hích lớn từ làn sóng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, với nhu cầu lớn như khu công nghiệp làm cứ địa sản xuất, căn hộ cao cấp, biệt thự, nhà phố hiện đại để lưu trú, resort, sân golf để thư giãn, cũng như văn phòng cho thuê. Nhìn chung, hầu hết nhu cầu ở các phân khúc thuộc lĩnh vực bất động sản dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm tới, bởi Việt Nam đang dần trở thành một ngôi sao sản xuất ở châu Á, thay thế Trung Quốc.
Nhiều chủ đầu tư đã nhận thấy trước xu hướng này. Và không ít tập đoàn bất động sản trong nước như Novaland, Vingroup, Đại Quang Minh, M.I.K, VSIP, Kinh Bắc hay những nhà đầu tư nước ngoài như CapitaLand, Mapletree (Singapore) đang tiên phong trong việc xây dựng các sản phẩm cao cấp, đón đầu làn sóng đầu tư ngoại.
Bên cạnh đó các lĩnh vực vận tải và logistics, dịch vụ tài chính ngân hàng, chứng khoán, tư vấn pháp lý... dự kiến cũng sẽ hưởng lợi lớn theo TPP. Dĩ nhiên, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều loại hàng hóa hơn, đặc biệt các sản phẩm cao cấp với giá “mềm” như ôtô, sữa, rượu, thịt bò, thực phẩm đóng hộp...
Có thể nói, tác động tổng thể về xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng mà TPP mang lại cho Việt Nam thật sự rất đáng để kỳ vọng. Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, TPP có khả năng sẽ giúp thu nhập quốc dân (GNP) của Việt Nam tăng 10% vào năm 2020. Phần còn lại sẽ phụ thuộc vào chính khả năng của Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Bên cạnh đó, TPP cũng sẽ tạo áp lực tích cực để Việt Nam đổi mới nhanh chóng, trở thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn.
Cẩn trọng với thương mại tự do
Với TPP, cơ hội để Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu là có thể nhìn thấy được. Nhưng việc nắm bắt được hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Ðây sẽ là điều có thể mang đến những lo lắng mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, nếu họ không kịp chuẩn bị.
Cùng với TPP, 2015 sẽ là năm mà Việt Nam chứng kiến mức độ mở cửa có thể xem là rất ấn tượng. Trước TPP, Việt Nam cũng đã ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, hay với Hàn Quốc. Cuối năm nay, dự kiến Việt Nam còn cùng với 9 thành viên khối ASEAN sẽ thiết lập nên cộng đồng kinh tế chung AEC. Mức độ mở cửa của Việt Nam đang ở mức khá nhanh.
Việc mở cửa nhanh trong lúc doanh nghiệp trong nước mới chỉ có hơn 1 năm phục hồi sau giai đoạn khó khăn sẽ mang đến thách thức cạnh tranh không hề nhỏ, nhất là khi đại đa số doanh nghiệp Việt Nam chỉ có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu.
Hạn chế của doanh nghiệp nội còn nằm ở nhiều yếu tố khác. Điển hình là ở vấn đề bảo vệ quyền tác giả của TPP. Tuy chính sách trên sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp gia tăng đầu tư và nghiên cứu, nhưng đối với Việt Nam, điều này có thể mang đến những hệ lụy lớn. Chẳng hạn như vấn đề bản quyền thuốc sinh học.
Trong quan điểm của các tập đoàn dược phẩm Mỹ, ban đầu, họ chỉ muốn duy trì thời gian bảo vệ quyền tác giả các sản phẩm thuốc sinh học lên đến 12 năm nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho ngành công nghiệp dẫn đầu của mình. Cuối cùng, gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các quốc gia khác, Mỹ đã nhượng bộ để giảm thời gian bảo hộ cuối cùng còn 5-8 năm. Nhưng thời gian này cũng đã là khá dài so với sự mong đợi của các quốc gia khác muốn thời hạn trên chỉ là 5 năm, trong đó có Việt Nam.
Việc kéo dài thêm nhiều năm chờ đợi để được cấp phép sản xuất đại trà sản phẩm thuốc phiên bản (generic drugs) sẽ khiến cho các doanh nghiệp dược phẩm của Việt Nam như Dược Hậu Giang, Traphaco khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Và giá thuốc mà người tiêu dùng chi trả sẽ cao hơn so với trước đây.
Một thách thức khác mà Việt Nam phải giải quyết là chuyện doanh nghiệp nội sẽ đối mặt với một loạt sản phẩm thịt ngoại nhập tràn lan trên thị trường, như bò, gà, pho mát, sản phẩm đóng hộp... có chất lượng tốt hơn hẳn sản phẩm trong nước. Ngay cả sữa của Vinamilk hay TH Milk có thể gặp thách thức nhiều hơn khi phải đối mặt với các sản phẩm sữa có chất lượng và giá rẻ hơn từ New Zealand, quốc gia sản xuất sữa hàng đầu thế giới hiện nay.
Khi cạnh tranh trở nên quá khó, nguy cơ đóng cửa cho nhiều công ty thực phẩm Việt Nam và khả năng thất nghiệp của hàng triệu công nhân, nông dân là có thể xảy ra.
Để giảm thiểu rủi ro này, Trưởng đoàn đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận sẽ giảm dần lộ trình nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi xuống 0% trong 10 năm tới.
Một lĩnh vực khác được dự báo sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ từ TPP là ngành sản xuất ôtô. Hàng rào thuế quan hạ xuống sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ôtô của Nhật xuất khẩu xe vào Việt Nam nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nền sản xuất ôtô trong nước có nguy cơ bị phá vỡ.
Ðối với lĩnh vực tài chính, nhờ có TPP, các ngân hàng hàng đầu của Mỹ, Nhật, Canada và Úc giờ đã có thể bán các sản phẩm dịch vụ tài chính của mình sang Việt Nam mà không cần phải thiết lập chi nhánh hoạt động tại đây. Điều này có thể tạo nên áp lực mới cho các ngân hàng trong nước, bởi năng lực cạnh tranh của họ vẫn còn khá yếu.
Không chỉ có vậy, TPP còn đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn về nghiệp đoàn của người lao động, bảo vệ môi trường, kiểm dịch động thực vật, cơ chế đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Nếu trong trường hợp không thể đáp ứng được, những ưu đãi về thuế quan mà các quốc gia thành viên TPP dành cho Việt Nam sẽ ngay lập tức dừng lại.
Về phía các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, cánh cửa mở rộng hơn nhưng không đồng nghĩa với việc đi lại sẽ dễ dàng hơn. Bài học từ WTO cho thấy, các sản phẩm của Việt nam đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật tinh vi hơn từ các quốc gia phát triển, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như thủy sản, sắt, thép.
Cuối cùng, rủi ro về thời gian cũng cần được tính đến. Theo ông Marc Djandji, trưởng bộ phận môi giới các nhà đầu tư tổ chức của Chứng khoán VPBank, tất cả nội dung đàm phán của TPP cần phải được quốc hội mỗi nước thông qua trước khi có hiệu lực. Trong đó, chính quyền của Tổng thống Obama sẽ cần sự gật đầu của Quốc hội Mỹ. Dự kiến việc này sẽ gặp không ít khó khăn trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Sơn Nguyễn