TPP mở lại cuộc đàm phán căng thẳng ở Atlanta
Các bộ trưởng thương mại của Mỹ, Nhật Bản và 10 nước thành viên đã mở lại bàn đàm phán vào ngày hôm qua 30/9 nhằm tiến tới một thỏa thuận thống nhất về Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Hiệp định tự do thương mại lớn nhất trên thế giới.
Theo kế hoạch các bộ trưởng sẽ dành ra 2 ngày để đàm phán về những bất đồng then chốt, vốn chưa được thông qua trong cuộc họp diễn ra vào tháng 7 vừa qua tại Hawaii.
Theo đó, những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là về những rào cản nhập khẩu của Mỹ đối với một số phụ tùng xe ô tô của Nhật Bản, mở cửa thị trường cho các sản phẩm sữa New Zealand, và thời gian hợp lý bảo vệ bằng sáng chế cho các loại thuốc mới.
Khi được hỏi về liệu có thể đi đến một thống nhất trong ngày hôm nay (1/10) không thì một quan chức Mỹ trả lời rằng: "Chúng tôi đang hy vọng điều đấy sẽ được thực hiện. Washington vốn là động lực chính thúc đẩy hiệp định đã bắt đầu các cuộc đàm phán vào năm 2008. Do đó, chúng tôi muốn Hiệp định này sớm được phê chuẩn hơn bao giờ hết, tốt nhất là trước khi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2016".
Vì thế, Hoa Kỳ đang nổ lực thúc đẩy 12 nước thành viên đi đến một kết luận cuối cùng để thiết lập một Hiệp định tự do thương mại lớn nhất trên thế giới. Khi đó Hiệp định sẽ góp phần giảm thiểu những tác động của Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc cũng đã bắt đầu thiết lập một thỏa thuận thương mại với Châu Á. Nên điều này đang khiến nhiều nhà phân tích lo ngại rằng điều này sẽ khiến đàm phán TPP thất bại.
Theo nhà phân tích thương mại Sean West của tập đoàn Eurasia Group nhận định nếu Hiệp định không được thông qua vào tuần này tại Atlanta thì rất có khả năng phải đến cuối năm nó mới được thông qua. Ông nói "Sẽ không có cuộc họp diễn ra vào tuần này nếu như không có các bước tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán song phương giữa các bên".
Ông nhấn mạnh "Tất cả các quốc gia tham gia TPP trên bàn đàm phán luôn muốn hoàn tất những thỏa thuận này trong thời gian ngắn nhất".
12 nước thành viên tham gia vòng đàm phán bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Theo kế hoạch đề ra 12 Bộ trưởng thương mại của các nước thành viên sẽ có 4 ngày để thảo luận các chi tiết trong các điều khoản của Hiệp định.
Tuệ Nghi
Nguồn AFP