TPP không chỉ toàn màu hồng với Việt Nam
Theo Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế thuộc Economist (EIU), trong thập kỷ qua, chi phí lao động sản xuất tại Việt Nam tăng hơn 3 lần lên 1,96 USD/giờ, kể cả phúc lợi, tuy nhiên, mức chi phí này vẫn thấp hơn đáng kể so với 3,27 USD/giờ của Trung Quốc và 37,96 USD/giờ của Mỹ.
Stanley Szeto, giám đốc điều hành Lever Style trụ sở tại Hong Kong chuyên sản xuất áo sơ-mi và quần âu cho các nhãn hiệu từ Hugo Boss cho đến J.Crew, cho biết, ông "rất không hào hứng" về TPP vì hoạt động đầu tư tăng lên sẽ khiến việc sản xuất tại Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn.
5 năm qua, Lever Style đã dịch chuyển 1/4 hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cắt giảm gần 50% lực lượng lao động tại Trung Quốc xuống 3.000 công nhân. Nhà sản xuất này cho biết họ không thể đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển hoạt dộng sản xuất sang Việt Nam vì các nhà máy tại Việt Nam vẫn thiếu công nghệ để sản xuất những mẫu áo jacket hoặc sơ-mi tinh xảo.
Dù TPP được kỳ vọng xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa 12 nước thành viên về các mặt hàng như quần áo, song các nhà sản xuất tại Việt Nam xem ra hưởng lợi không được bao nhiêu khi TPP được thông qua, theo ông Szeto.
Lý do là các thương hiệu toàn cầu - không phải nhà sản xuất - phải thanh toán thuế nhập khẩu theo hiệp định đối với hàng hóa bán đến tay người mua ngay khi hàng được lên tàu. Do vậy, việc bãi bỏ thuế sẽ giúp làm giảm chi phí cho các công ty sở hữu thương hiệu chứ không phải cho nhà sản xuất.
Ông Roger Lee, giám đốc điều hành Tập đoàn TAL, chuyên sản xuất hàng may mặc cho các thương hiệu lớn như Banana Republic hay Brooks Brothers - cứ 6 chiếc sơ-mi bán tại Mỹ có 1 chiếc do TAL sản xuất, cho biết, các nhà sản xuất có thể đàm phán với các thương hiệu toàn cầu để có được mức giá cao hơn khi TPP có hiệu lực thông qua việc chia sẻ lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí. Nhưng các thương hiệu toàn cầu sẽ chỉ xem xét đề xuất này nếu phần lớn sản phẩm của họ do một nhà sản xuất đảm nhiệm.
Các nhà sản xuất không thể duy trì mức giá đủ thấp cũng có thể gặp rủi ro mất hoạt động gia công vào tay doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam Adam Sitkoff lại cho rằng, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP vì các thương hiệu toàn cầu có thể sẽ tăng nguồn cung từ Việt Nam, tăng số đơn đặt hàng tại các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
“Nếu nói rằng 10 cent tiết kiệm được nhờ việc giảm thuế đồng nghĩa rằng 10 cent này sẽ rơi vào túi công ty sở hữu thương hiệu toàn cầu là không đúng. Các nhà sản xuất vẫn được hưởng lợi khi công suất tăng lên và thu hút thêm đầu tư", ông Sitkoff nói.
Còn theo ông Frank Smigelski, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực thương hiệu bán lẻ của Avery Dennison, trụ sở tại California, chuyên sản xuất nhãn mác và vật liệu bao gói - đã mở một nhà máy sản xuất tại Việt Nam, TPP không phải là cách để cắt giảm chi phí của công ty tại Việt Nam.
“TPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng và đảm bảo rằng chúng tôi có vị thế tốt hơn để cạnh tranh", ông Smigelski cho biết.
Nhật Trường
Nguồn WSJ