TPP dành cho Việt Nam sự linh hoạt
- Về xuất xứ hàng hóa, về mở cửa thị trường hàng hóa, tỉ lệ mở thế nào và lộ trình thực hiện. Đó là những vấn đề mà TPP dành cho VN sự linh hoạt, có trong dự thảo tuyên bố chung.
Trong 12 nước thành viên TPP thì VN là nước có trình độ kinh tế thấp nhất, kể cả về tổng GDP cũng như bình quân đầu người. Trong quá trình đàm phán, chúng tôi đã đề nghị các nước thành viên TPP phải lưu ý thực tế này. Kết quả là trong dự thảo tuyên bố chung có nêu TPP là chất lượng cao nhưng đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích và có tính đến chênh lệch trình độ phát triển. Đây là điều VN kiên trì đàm phán và đã đạt được, vừa tham gia mục tiêu chung và cũng có lộ trình để VN thực hiện các mục tiêu này và có thời gian chuẩn bị, nhất là cho khu vực doanh nghiệp.
Các nước đàm phán TPP đề cập nhiều vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN), về phía VN đã đàm phán như thế nào?
- Chương về doanh nghiệp là nội dung quan trọng trong đàm phán TPP. Hầu hết các nước trong TPP đều có DNNN, tuy nhiên số lượng và quy mô có khác nhau. Mặc dù có khác nhau nhưng DNNN hay kinh tế nhà nước đều đóng vai trò nhất định trong đời sống kinh tế xã hội của nhiều nước thành viên TPP, vì thế những nội dung liên quan là một phần mà các đoàn đàm phán đã dành rất nhiều thời gian, đến giờ phút này thì các nội dung về DNNN vẫn đang tiếp tục được các đoàn đàm phán đặt trên bàn nghị sự và cố gắng làm sao trong thời gian sớm nhất có thể thống nhất được nội dung này.
Về phía VN, thực hiện đàm phán nội dung này theo đúng tinh thần và chủ trương của Nhà nước, đó là DNNN vẫn phải được giao những nhiệm vụ quan trọng mà doanh nghiệp các khu vực khác không làm được, và DNNN phải đảm bảo hiệu quả trong hoạt động không kém gì các khu vực khác. Hiện chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu DNNN, quá trình này sẽ tác động tới việc thực hiện các cam kết trong TPP. Tôi nghĩ chúng ta sẽ kiên quyết thực hiện tinh thần này trong nội dung về DNNN.
* VN được lợi gì khi tham gia TPP?
- TPP có 12 nước thành viên, chiếm 40% tổng GDP toàn cầu, hơn 30% xuất nhập khẩu toàn cầu, lợi ích trước hết là về mặt kinh tế với việc mở cửa thị trường hàng hóa những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản... Khả năng xuất khẩu của chúng ta, nhất là những mặt hàng có thế mạnh như nông nghiệp, dệt may, da giày... chắc chắn sẽ có kim ngạch tăng cao hơn, qua đó góp phần tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân trong nước. Lợi ích tiếp theo là việc tham gia TPP với chất lượng cao của một hiệp định thương mại tự do, đặt ra cho chúng ta những tác động để tiếp tục làm thế nào nâng cao quy mô và chất lượng sản phẩm trong nước, nói cách khác là nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tham gia sân chơi này sẽ giúp ta vượt lên.
* Nhiều ý kiến lo ngại nguyên tắc "xuất xứ từ sợi" sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của VN?
- Đúng là có thực tế như vậy, vì tham gia những hiệp định thương mại tự do như thế này thì đối với các thành viên còn trình độ phát triển chậm và có khoảng cách lớn với các nước khác như VN, thì bên cạnh lợi ích sẽ có những thách thức khó khăn mà chúng ta phải đương đầu và giải quyết.
Trong TPP liên quan đến mở cửa thị trường hàng hóa và xuất xứ hàng hóa, chúng ta có câu chuyện về dệt may và da giày. Tinh thần của các nước TPP là những ưu đãi về thương mại chỉ dành cho các nước TPP mà thôi, chứ không để cho nước bên ngoài lợi dụng ưu đãi này để xuất khẩu hàng hóa vào các nước thành viên TPP. Tôi nghĩ nguyên tắc đó là đúng, vì đã ưu đãi dành cho các thành viên thì không nên dành cho nước không tham gia đàm phán.
Tuy nhiên, vấn đề này đối với VN có một thực tế là một số sản phẩm, hàng hóa chúng ta gia công để làm hàng xuất khẩu, chúng ta vẫn còn phải nhập khẩu một số vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Với nguyên tắc nêu trên thì chắc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế VN và các doanh nghiệp VN. Đây là vấn đề chúng tôi đã đề cập với các thành viên TPP khác, vì thế hiện nay chúng ta cũng đang cố gắng thuyết phục các thành viên trong TPP chấp nhận cho VN có một quá trình chuyển đổi, tức là không phải ngay từ đầu VN sẽ phải thực hiện 100% những cam kết trong TPP như các thành viên khác, mà ta sẽ có thời gian để chuyển đổi nhằm khắc phục những bất cập của mình, trong đó có vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Nguồn Tuổi trẻ