TPP có thể là rào cản cho FDI vào nông nghiệp
Tại Diễn đàn kinh doanh với chủ đề "Đầu tư nông nghiệp thời TPP" vừa được tổ chức hôm nay (21/11), bà Vũ Thị Minh, giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng các xu hướng tự do hóa thương mại làm suy yếu động lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp.
Theo bà Minh, giai đoạn 1990 - 2000 được xem là giai đoạn thành công nhất trong việc thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, với tỷ trọng vốn đăng ký có năm lên đến trên 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Nguyên nhân được cho là do doanh nghiệp Việt Nam trước năm 2000 chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp FDI muốn khai thác yếu tố bảo hộ đối với nông nghiệp Việt Nam trong thời điểm này.
Tuy nhiên, vốn FDI vào lĩnh vực này giảm dần trong suốt giai đoạn từ năm 2001 - 2013. Đến cuối năm 2014, FDI vào nông, lâm, thủy sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 2,17%. Riêng 10 tháng đầu năm 2015, FDI vào ngành này chỉ đạt tỷ lệ 1,6%.
Bà Minh cho rằng, sau thời điểm mở cửa, việc bảo hộ giảm, Việt Nam có cắt giảm về mặt thuế nhưng gia tăng rào cản kỹ thuật, do đó dòng vốn FDI giảm dần. Doanh nghiệp nước ngoài chỉ muốn đầu tư vào thị trường ít cạnh tranh chứ không muốn vào một thị trường nhiều cạnh tranh.
Củng với đó, xu hướng tự do thương mại như WTO hay TPP đối với các doanh nghiệp Việt Nam không phải là cơ hội cho chúng ta kinh doanh mà là thách thức buộc phải thay đổi để tồn tại, bà Minh nhấn mạnh.
Theo cam kết WTO liên quan đến nông nghiệp, thuế quan trung bình của Việt Nam cho các sản phẩm nông nghiệp giảm từ 23,5% đến 20,9% trong năm 2014. Kể từ ngày 31/12/2018, Việt Nam cũng sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ WTO kéo theo một lượng lớn các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài được nhập khẩu về Việt Nam với giá thấp.
Hiệp định TPP sắp được ký kết cũng cho phép mở rộng hơn nữa không gian thương mại cho ngành nông nghiệp đối với tất cả các nhà đầu tư.
Do đó, lợi thế của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhờ hàng rào bảo hộ thương mại đang giảm dần song song với việc thực hiện các cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại.
Cần có chính sách hấp dẫn thu hút FDI vào nông nghiệp
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đến năm 2013, có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam. Đáng chú ý, một phần ba tổng số FDI vào nông nghiệp đến từ Đài Loan, Hong Kong, trong khi các nước tiên tiến của lĩnh vực này chiếm tỷ lệ rất nhỏ về số lượng dự án và giá trị FDI.
Theo bà Minh, về bản chất, ngành nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro đối với FDI hơn các ngành sản xuất và dịch vụ khác.
Ở các nước tiên tiến có nhiều vốn và công nghệ hiện đại, nông dân được hưởng nhiều trợ cấp và hỗ trợ từ chính phủ cho đầu tư vào thị trường trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ các nước này nếu đầu tư ra nước ngoài.
Do đó, lựa chọn của họ về FDI sẽ dựa vào mức độ hấp dẫn từ chính sách của những nước nhận FDI. Nước nhận vốn FDI có các chính sách liên quan đến FDI càng hấp dẫn thì sẽ càng nhận được nhiều FDI hơn.
Ngoài ra, quy mô sản xuất ở Việt Nam còn nhỏ và phân tán; nguy cơ dịch bệnh đe dọa tiềm năng của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở hạ tầng ở nông thôn lạc hậu cùng với sự khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất lớn… cũng là những rào cản cho dòng vốn FDI vào ngành nông nghiệp.
Bên cạnh dòng vốn FDI vào nông nghiệp thấp, vốn đầu tư toàn xã hội vào ngành này cũng chỉ đạt từ 5,4 - 5,6%. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1%.
Số lượng các doanh nghiệp hoạt động thuần túy trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp, quy mô vốn hóa của cả ngành cũng khá nhỏ, khoảng 3% vốn hóa toàn thị trường.
Trường Văn