TP.Hồ Chí Minh: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Năm 2014, hoạt động XK của TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực với kim ngạch XK tăng cao, cơ cấu hàng XK chuyển dịch đúng hướng, chất lượng XK tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, thành tựu đáng chú ý nhất trong hoạt động XNK của thành phố trong năm 2014 là đã đa dạng hóa được thị trường tránh phụ thuộc vào một thị trường.
XK tăng trưởng khá
Năm 2014, kim ngạch XK hàng hóa của TP. HCM đạt trên 29 tỉ USD, tăng 8,3% so với năm 2013 (năm 2013 giảm 6%). Kim ngạch NK đạt trên 25 tỉ USD, giảm 2,2% so với năm 2013 (năm 2013, tăng gần 15%). Số DN tham gia vào hoạt động XNK không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa và ngày càng hiệu quả. Hiện tại thành phố có gần 18.500 DN hoạt động trong lĩnh vực XNK. Trong đó khu vực DN trong nước chiếm tỉ trọng trên 60% kim ngạch XNK, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động XK của thành phố.
Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, kim ngạch XK của thành phố trong năm 2014 cao hơn kim ngạch NK thể hiện rõ xu hướng phục hồi tích cực. Nếu loại trừ dầu thô, kim ngạch XNK của TP.HCM đạt 27.890 triệu USD, tăng trên 12% so với năm 2013. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kì .
Bên cạnh đó, cơ cấu và chất lượng tăng trưởng XK đang có sự chuyển biến tích cực cho thấy hoạt động XNK của thành phố vẫn phát triển ổn định và có khởi sắc. Những mặt hàng chủ lực có quy mô XK lớn như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, phụ tùng có mức tăng trưởng cao đã đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung trong năm 2014.
Cơ cấu hàng XK chuyển dịch đúng hướng theo hướng chuyển dần tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu. Tỉ trọng nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm gần 70% trong khi mục tiêu của thành phố đề ra đến năm 2020 là 62%.
Không chỉ tăng trưởng chiều rộng, chất lượng XK của TP.HCM trong năm 2014 tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững. Những năm trước đây mức tăng kim ngạch XK của TP.HCM thường là do các DN FDI thì nay DN trong nước đã có sự tăng trưởng khá, 11,5% (cùng kì năm trước giảm 8%). Cơ cấu nhóm hàng XK chuyển biến tích cực, nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm trên 67%.
Không lệ thuộc vào một thị trường
Theo ông Lê Văn Khoa, năm 2014, thị trường XNK của TP.HCM đã có sự phát triển phù hợp theo hướng đa dạng, hạn chế tình trạng lệ thuộc vào một thị trường. Kim ngạch XK của thành phố tăng mạnh ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, tăng chậm ở thị trường Trung Quốc. Các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng XK đang chuyển đổi thị trường NK. Cụ thể vải nguyên liệu đang tăng cường NK từ Hàn Quốc (tăng trên 34%), Nhật Bản (tăng 12%), Malaysia (tăng 190%)... giảm NK từ Trung Quốc (giảm trên 16%), nguyên phục liệu dệt may, da giày cũng đã giảm NK từ Trung Quốc (giảm 17%), chuyển sang tăng NK từ Nhật Bản, Malaysia, Newzealand, Ý...
Cùng với việc đa dạng hóa thị trường NK, hoạt động phát triển đầu tư nguyên liệu hỗ trợ của TP.HCM đang dần được hình thành và thay thế dần hàng NK. NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có xu hướng giảm dần, các DN trong nước đang dần hình thành chuỗi liên kết giữa DN sản xuất hàng XK với DN sản xuất nguyên phụ liệu theo đó giá trị gia tăng trên sản phẩm XK tăng lên. Hiện TP.HCM đang dẫn đầu cả nước về giá trị gia tăng đối với hàng XK (hiện chỉ số này của thành phố vào khoảng18-20% trong khu các địa phương khác chỉ ở mức từ 5-8%)
Theo Sở Công Thương TP.HCM, năm 2015, TP. HCM đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch XK tăng từ 8-10% so với năm 2014, tương ứng đạt khoảng 34.950 triệu USD. Trong đó, cơ cấu mặt hàng XK tiếp tục được hỗ trợ chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng XK sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến và có hàm lượng gia tăng lớn, giảm tỉ trọng XK sản phẩm, nguyên nhiên liệu thô, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Thành phố phấn đấu giữ vững tốc độ tăng tỉ trọng XK trực tiếp vào các thị trường lớn ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á, tăng cường khai thác tiềm năng XK ở châu Phi, châu Đại Dương để đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro...
Để hỗ trợ cho hoạt động XK, theo ông Lê Văn Khoa, Sở Công Thương sẽ thường xuyên cập nhật, phổi biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới nhất là các thị trường , mặt hàng XK trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng biện pháp bảo hộ của nước ngoài. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực dự báo cung cầu và giá cả trên thị trường thế giới, tập trung vào những mặt hàng cung cầu thường biến động và DN thành phố có khối lượng XK lớn. Tăng cường cung cấp thông tin và các quy định về tiêu chuẩn kĩ thuật, cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguy cơ bị kiện chống phá giá tới cộng đồng DN. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng các chương trình xúc tiến mới theo hướng xúc tiến đa dạng hóa thị trường NK các mặt hàng nguyên phụ liệu (vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nguyên phụ liệu thuốc trừ sâu, sắt thép), xúc tiến XK đối với các mặt hàng có tỉ trọng XNK lớn đối với thị trường Trung Quốc như rau quả, gạo, cao su. Xây dựng các chương trình xúc tiến cụ thể theo từng ngành hàng và từng thị trường, trong đó ưu tiên xúc tiến NK ở các thị trường Việt Nam có tham gia các hiệp định thương mại tự do. Cụ thể như xúc tiến NK xơ từ Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, NK sợi từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, NK vải từ Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia..
Nguồn Hải quan