Quý Hòa

 
Trang Lê Thứ Hai | 04/12/2017 16:48

TP.HCM: Xem xét tăng thuế rượu, bia, thuốc lá

TP.HCM có thể xem xét bổ sung một số loại thuế, phí vừa để điều tiết hành vi người tiêu dùng vừa góp phần tăng nguồn thu.

Kỳ họp lần thứ 6 HĐND TP.HCM diễn ra ngày ngày 4.12. Tại đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành phố hoàn thành và vượt mức 17/20 chỉ tiêu của kế hoạch năm 2017, chỉ còn 2 chỉ tiêu chưa đạt đó là tốc độ tăng trưởng đạt 8,25% so với kế hoạch 8,4% - 8,7%; chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp mới đã thành lập được 41.217 doanh nghiệp so với chỉ tiêu 50.000 doanh nghiệp đạt tỷ lệ hơn 82%; còn một chỉ tiêu là xác định vị trí xếp hạng môi trường cạnh tranh đầu tư và cải cách hành chính của TP chưa đạt do chờ đến năm 2018 mới đánh giá.

Điểm nổi bật trong thời gian qua là TP huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 365.700 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP 8,25%, đạt quy mô 1.060.608 tỷ đồng.

“Như vậy, năm 2017, cứ bình quân mỗi ngày TP đặt ra GRDP là 2.900 tỷ đồng. Về đầu tư năm 2017 có 365 ngày thì tổng đầu tư là 365.700 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày TP đầu tư 1.000 tỷ đồng. Về thu ngân sách năm 2017 đạt 348.000 tỷ đồng, tức mỗi ngày TP thu ngân sách 953 tỷ đồng. Năm 2018 quy mô kinh tế sẽ lớn hơn và trách nhiệm nhiều hơn nữa”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Thiện Nhân cho biết Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Nghị quyết của Quốc hội đề cập đến các lĩnh vực cho thành phố gồm: quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý ngân sách, quản lý tài chính ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền. Chặng hạn, diện tích đất nông nghiệp cho trồng lúa đã được xác định nhưng quá trình phát triển có sự thay đổi phát triển đô thị thì cần phải điều chỉnh nhưng cần phải xin phép Thủ tướng. Do đó, khi Quốc hội cho phép HĐND thành phố quyết định điều này thì sẽ giúp triển khai công việc nhanh chóng hơn.

Đối với cơ chế tài chính, Bí thư Thiện Nhân phân tích trong nhiệm kỳ tới thành phố được phân chia tỷ lệ ngân sách để lại là 18% (giảm so với 23% trong nhiệm kỳ trước), tỷ lệ này không thay đổi và không làm ảnh hưởng ngân sách trung ương nên Quốc hội thấy rằng cần phải tạo điều kiện để thành phố có nguồn thu lớn hơn, chống thất thu bằng nội lực song song với việc trung ương để lại một số khoản thu mà lâu nay được điều tiết về trung ương.

"Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực từ 15/1/2018 và thời điểm này trở đi HĐND thành phố sẽ làm nhiều việc để thực hiện cơ chế thí điểm này. Chẳng hạn, thành phố có thể xem xét bổ sung một số loại phí hoặc mức phí trên địa bàn thành phố vừa để điều tiết hành vi người tiêu dùng vừa góp phần tăng nguồn thu. Ngoài ra, có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá hoặc thuế môi trường", ông Thiện Nhân nói.

Ông Thiện Nhân đề nghị UBND thành phố có thể trước tháng 6/2018 trình một số đề xuất liên quan đến phí, thuế nói trên để HĐND thành phố thông qua gắn với lấy ý kiến của người dân, chuyên gia để có thể áp dụng từ giữa năm 2018.

Theo báo cáo của UBND thành phố, trong năm 2017, TP thu ngân sách đạt 347.982 tỉ đồng, tăng gần 13% so với năm 2016. Trong năm 2018 kế hoạch thành phố sẽ thu đạt 376.780 tỉ đồng, tăng 8,28% so với thực hiện năm 2017.