Thứ Tư | 07/08/2013 22:05

TPHCM xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị với 4 thành phố trực thuộc

Đề án kiến nghị thành lập chính quyền 4 đô thị mới, có tên gọi là các thành phố (hoặc thị xã), tạm đặt là các thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc.
Chiều ngày 7/8, TPHCM họp Hội nghị bất thường Ban chấp hành Đảng bộ để đóng góp ý kiến vào bản dự thảo Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TPHCM.

Theo dự thảo đề án, TPHCM có diện tích tự nhiên 2.095,54 km2, với 19 quận và 5 huyện, dân số trên 8 triệu người (nếu tính cả người vãng lai hiện gần 10 triệu người), là một trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới, là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Theo Đề án này, chính quyền đô thị TPHCM được tổ chức dựa trên nguyên tắc chủ yếu: Chính quyền địa phương có 2 cấp, bao gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố (hoặc thị xã). Riêng địa bàn đô thị của 13 quận nội thành chỉ có 1 cấp chính quyền.

Chính quyền đô thị TPHCM được xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị, bao gồm: Chính quyền đô thị TPCHM - thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu chính quyền có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền này vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trên cơ sở, vừa là chính quyền đô thị của 13 quận nội thành. Tại mỗi quận tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức Ủy ban hành chính.

Đề án cũng kiến nghị thành lập chính quyền 4 đô thị thành lập mới. Đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền TPHCM. Đối với 4 đô thị thành lập mới có chính quyền 2 cấp gồm: Cấp TPHCM trực thuộc Trung ương và cấp đô thị thành lập mới. Các đô thị này có tên gọi là các thành phố (hoặc thị xã), tạm đặt là các thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc; trong đó, thành phố Đông, bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức; thành phố Nam bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và một phần diện tích của Phường 7 thuộc quận 8; thành phố Tây bao gồm quận Bình Tân và một phần diện tích của các phường 7, phường 16 thuộc quận 8 và 4 xã của huyện Bình Chánh; thành phố Bắc bao gồm quận 12 và huyện Hóc Môn.

Trên địa bàn nông thôn, sau khi tổ chức 4 thành phố mới, diện tích còn lại khoảng 1.304 km2 sẽ tổ chức thành các xã và thị trấn. Đây là cấp chính quyền cơ sở, với cơ chế tự chủ cao.

Như vậy, theo mô hình này, Chính quyền đô thị TPHCM được tổ chức phù hợp với loại đô thị đặc biệt, theo mô hình chính quyền địa phương có 2 cấp, gồm chính quyền TPHCM và chính quyền cấp cơ sở gồm 4 thành phố trực thuộc, các xã, thị trấn còn lại là pháp nhân công quyền, có địa vị pháp lý như nhau.

Đô thị hiện hữu, tức là 13 quận nội thành, là một đô thị hoàn chỉnh, đóng vai trò đô thị trung tâm, thuộc pháp nhân công quyền TPHCM. 4 đô thị vệ tinh là các thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc là những đô thị mới, được tổ chức thành một cấp chính quyền (cơ sở), Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quản lý theo cơ chế phân cấp; 3 thị trấn là chính quyền cơ sở; 35 xã là chính quyền cơ sở; đồng thời có cơ quan đại diện hành chính của chính quyền cấp trên là quận, phường và huyện.

Nguồn TTXVN


Sự kiện